Đông Á trước nguy cơ tuyệt chủng
(Cadn.com.vn) - Dân số già ở các nước Đông Á bắt đầu cho thấy những bất lợi. Nhưng báo cáo mới đây thậm chí cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng hơn nhiều: Đông Á có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo nghiên cứu của Quốc hội Hàn Quốc, quốc gia 50 triệu dân có thể biến mất vào năm 2750 nếu tỷ lệ sinh tiếp tục thấp như hiện nay- khoảng 1,25 con/phụ nữ, thấp hơn cả Nhật Bản là 1,4.
![]() |
Dân số Đông Á ngày một già đi. Ảnh: Diplomat |
Tỷ lệ sinh thấp
Dự kiến, dân số nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á sẽ giảm khoảng 20 triệu người vào cuối thế kỷ này, nếu tỷ lệ sinh ở mức 1,19 con/phụ nữ. Theo tờ WSJ, Busan - thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc - dự kiến trở thành thành phố ma vào năm 2413, tiếp theo là thủ đô Seoul vào năm 2505. Theo báo cáo, chiến dịch kế hoạch gia đình của Hàn Quốc bắt đầu vào những năm 1960 có thể đã “quá thành công” so với mong đợi.
Nước láng giềng Nhật Bản cũng lo lắng về tỷ lệ sinh hiện nay. Các nhà nghiên cứu dự đoán đứa trẻ cuối cùng của Nhật sẽ được sinh ra vào năm 3011. Sau ngày đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với dân số hiện tại 127 triệu người, sẽ bị diệt vong như loài khủng long chỉ một vài thế hệ sau đó.
Các dữ liệu mới nhất của chính phủ chỉ ra, số trẻ sinh ra hàng năm tại Nhật thấp dưới 1 triệu. Trong nửa đầu năm 2014, khoảng 496.000 trẻ được sinh ra trong khi số người chết là 652.000 người. Dù chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu ổn định dân số ở mức khoảng 100 triệu người, tỷ lệ sinh dự kiến sẽ tiếp tục giảm do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày một ít đi.
Trong khi đó, Trung Quốc có số người trong độ tuổi lao động giảm gần 3,5 triệu vào năm 2013. Lực lượng lao động của quốc gia đông dân nhất thế giới dự kiến sẽ giảm khoảng 200 triệu người vào năm 2050, làm dấy lên lo ngại, đất nước này sẽ già đi trước khi trở nên giàu có, khiến mức thu nhập trung bình không thể cao lên được.
Trong báo cáo mới đây, ngân hàng HSBC cảnh báo, Châu Á đang trở nên già đi “với tốc độ chưa từng có – được cho là nhanh nhất thế giới từ trước đến nay”. “Trong quá trình già đi, Trung Quốc bắt đầu giống như Nhật Bản và các con hổ Châu Á khác...”, các nhà nghiên cứu của HSBC cho biết.
HSBC cũng nhấn mạnh, các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ lao động nữ thấp càng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt lao động, trong đó Indonesia, Philippines và Sri Lanka là những người bị ảnh hưởng nhất.
Cứu lấy Châu Á
Trong khi tỷ lệ sinh khu vực Đông Á là “quá thấp và không bền vững”, HSBC cho biết các nền kinh tế có dân số già của khu vực có thể giải quyết vấn đề bằng cách bổ sung các lao động lớn tuổi và phụ nữ.
“Nhiều nước Châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và tuổi nghỉ hưu vẫn còn thấp mặc dù tuổi thọ trung bình ngày tăng lên”, nghiên cứu cho biết. Một báo cáo gần đây của Nhật Bản cảnh báo, dân số nước này có thể giảm xuống 87 triệu người trong vòng 50 năm tới, trở thành “xã hội siêu già” với 40% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Báo cáo kêu gọi hỗ trợ cho các bậc cha mẹ nhiều hơn trong việc nuôi một đứa trẻ, đưa ra các chiến lược để thu hút lao động nước ngoài và cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi.
Hàn Quốc có thể giải quyết vấn đề suy giảm dân số nếu việc thống nhất với Triều Tiên thành công, hoặc thay đổi chính sách nhập cư và khôi phục tỷ lệ sinh. Còn đối với Singapore, HSBC cho rằng, người nhập cư có thể là giải pháp hữu ích giải quyết vấn đề suy giảm dân số. Trong khi đó, Trung Quốc và Indonesia có thể tập trung phát triển dân cư đô thị.
An Bình
(Theo Diplomat)