Dòng chảy thương mại của Việt Nam bị gián đoạn vì tình hình Biển Đỏ

Thứ bảy, 23/03/2024 10:07
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen vào các tàu thương mại chở hàng trên Biển Đỏ đã khiến nhiều hãng vận tải phải chuyển sang lộ trình dài hơn để đảm bảo an toàn cho các tàu, kéo theo chi phí và phí bảo hiểm tăng cao.

Trong bối cảnh chung của toàn cầu, Việt Nam không phải ngoại lệ, khi hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng chịu những tác động. Thời gian vận chuyển kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng đơn hàng của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, trong khi giá cước vận tải tăng mạnh.

Căng thẳng Biển Đỏ kéo dài từ cuối năm 2023 trở lại đây đã khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu không khỏi "đau đầu" bởi nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà vòng qua mũi Hảo Vọng khiến hành trình tàu kéo dài hơn từ 10-15 ngày so với trước kia.

Thực tế cho thấy chỉ tính riêng thời gian vận chuyển kéo dài đã khiến chi phí gia tăng đáng kể. Hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk... đã tăng phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á-châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Mặc dù từ quý 4-2023 trở lại đây, hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã khởi sắc khi có thêm nhiều đơn hàng được ký kết nhưng căng thẳng Biển Đỏ khiến các hãng tàu phải di chuyển đường vòng kéo theo cước phí vận chuyển tăng từ 1,5-4 lần so với trước đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), giá cước đi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt từ những ngày đầu tháng Một năm nay, gần 3.000 USD một chuyến đến bờ Tây (Mỹ), tức cao hơn 55-60% so với cuối năm ngoái. Tương tự, cước đi bờ Đông (Mỹ) tăng 50-70%, lên 4.100-4.500 USD. Riêng cước tàu sang EU gấp 3-4 lần so với cuối năm ngoái, khoảng 4.350 USD-4.450 USD.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Baseafood, cho biết hai tháng đầu năm nay, công ty đã xuất khẩu được 1.300 tấn sản phẩm sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, đạt kim ngạch xuất khẩu 8 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, lợi nhuận của công ty lại sụt giảm do cước phí vận chuyển tăng từ 1,8 lần đến 2,5 lần so với trước đây.

"Mặc dù hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu theo hình thức phí vận chuyển do bên khách hàng chi trả nhưng trước thực trạng cước vận chuyển tăng quá cao, doanh nghiệp bán đều chia sẻ, hỗ trợ một phần cước phí với khách hàng," ông Trần Văn Dũng bày tỏ.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, 3 năm qua doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 nên lạm phát gia tăng và căng thẳng Biển Đỏ khiến quá trình phục hồi chậm lại, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu. Do đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội đã gặp các hãng tàu tìm hiểu, nắm bắt tình hình và thương thảo về mức tăng sao cho hợp lý. Hiệp hội cũng khuyến cáo doanh nghiệp tìm cung đường vận chuyển hàng khác an toàn với giá cạnh tranh hơn.

P.V