"Đồng đội ơi, chúng tôi về đây..."

Thứ hai, 22/07/2019 09:36

Ngày 20-7, cái nắng nóng khắc nghiệt ở chảo lửa miền Trung vẫn không làm chậm bước chân của cán bộ, nông dân xã Hòa Phong (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trong hành trình viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn và Đường 9 (Quảng Trị). Thắp nén tâm hương trước anh linh các liệt sĩ, những đồng đội quả cảm năm xưa, lão thành cách mạng Nguyễn Bá Sanh thì thầm: “Đồng đội ơi, chúng tôi về đây để tưởng nhớ, tri ân các anh trong nỗi niềm tiếc nuối vô hạn. Giờ đây, đất nước đã thanh bình nhưng các anh, các chị không thể trở về với mẹ mà mãi mãi nằm lại “ngôi nhà chung”. Giữa đại ngàn Trường Sơn trong tiếng thông reo và gió thoảng, chứng kiến dân tộc Việt Nam hùng mạnh trên đường hội nhập và phát triển chắc hẳn các anh, các chị cũng rất đỗi tự hào”.

Cán bộ, nông dân xã Hòa Phong thành kính tri ân tại NTLS Trường Sơn. 

Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chị Nguyễn Thị Vân không phải trải qua thời “mưa bom, lửa đạn”, chưa cảm nhận hết những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh nơi chiến trường cam go, ác liệt trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bởi vậy, câu thơ mộc mạc, dung dị của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng, tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình” đã khắc sâu trong tâm khảm, thôi thúc thế hệ chị hướng trái tim, khát khao được hành trình về Trường Sơn đại ngàn, được một lần đến với “cõi linh thiêng”, thắp nén hương thơm, tri ân những người con trung hiếu của dân tộc đã mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn huyền thoại, mang lại niềm hạnh phúc cho các thế hệ mai sau… Chầm chậm đi qua, đọc tên trên từng bia mộ, những nông dân Hòa Phong không khỏi ngậm ngùi. Nhiều người không giấu được những giọt nước mắt.

Anh Lê Đức Tuấn cho biết, nếu không được nghe các câu chuyện kể về những đau thương, mất mát của một thời đạn bom, khói lửa, thời của những người mẹ xa con, người vợ xa chồng mà không biết có ngày gặp lại, thì thế hệ các anh cũng chưa thể nào hình dung hết được những mất mát, đau thương ngày ấy lớn đến dường nào. “Tôi đã bao lần nghe đồng đội của cha tôi kể chuyện mỗi lần viếng thăm các NTLS quốc gia là bấy nhiêu lần họ vỡ òa trong tiếng khóc. Họ xót thương những người đồng đội từng kề vai sát cánh cùng nhau trên chiến trường, chia từng nắm cơm, ngụm nước, từng tấm áo che nắng, che mưa. Hòa bình, họ may mắn bình yên trở về, đoàn tụ với gia đình, con cháu, trong khi đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm xuống. Và, không biết bao lần nhìn mái tóc pha sương của họ, lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào về người cha (hy sinh lúc anh mới 1 tuổi) đã có một thời hoa lửa để độc lập tự do được kết trái trên Tổ quốc thân yêu. Tất cả là những bài học về tình yêu, sự hy sinh cho đất nước, là những tấm gương không chịu phai mờ dù trên chiến trường xưa hay trong cuộc sống xây dựng, tái thiết đất nước hôm nay”, anh Tuấn bộc bạch.

Sản phẩm quê hương Hòa Phong được bày biện trong mâm cúng ở NTLS Đường 9.

Chứng kiến khoảng không gian tĩnh lặng và nhiều đoàn người đi trong trầm mặc của khói hương, những nông dân xã Hòa Phong thêm phần nào hiểu được vùng đất thiêng Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau gần 45 năm chiến tranh kết thúc, NTLS quốc gia Trường Sơn, Đường 9 hôm nay đã trở thành những địa chỉ đỏ của bao thế hệ tiếp nối. Nơi đây chứa đựng biết bao huyền thoại về một thời hoa lửa, cho nên trong lòng họ đều trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ là niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Hơn 21 ngàn liệt sĩ tuy sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng lại có chung một hướng đi, một con đường ra trận…

Anh Đặng Công Quang chia sẻ, có đến nơi đây, tuổi trẻ chúng tôi mới thực sự hiểu hết những mất mát mà các thế hệ đi trước đã phải gánh chịu để cho chúng tôi có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. Chúng tôi còn biết có những gia đình năm nào cũng vượt bao quãng đường xa,nhiều tổ chức, đơn vị vượt qua hành trình gần ngàn cây số đến tận đây chỉ mong thắp nén hương cho người thân, thành kính tri ân lên mộ các liệt sĩ. Và trong những ngày tháng Bảy này, dòng người viếng thăm cứ thế nối dài bất tận. Bởi, các anh hùng liệt sĩ luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân…

VY HẬU