Dòng máu Trường Sa
(Cadn.com.vn) - 64 người con đất Việt đã hy sinh ở cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Gạc Ma- Cô Lin-Len Đao của quần đảo Trường Sa ngày 14-3-1988, trong đó có 61 người không tìm được xác, đồng nghĩa với 64 mái ấm, hàng trăm người yêu thương vẫn sống trong nỗi ray rứt khôn nguôi. Song cảm động làm sao, tự hào làm sao, tình yêu và niềm tự hào vẫn chiếm lĩnh trái tim những người còn sống, đặc biệt là những người mẹ, người yêu, người vợ, người con... các anh hùng liệt sĩ.
Những bức thư cho... liệt sĩ
Ngày 10-5, nghe dòng tin thời sự "tại khu vực Cô Lin - Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), các đoàn đại biểu đến thăm đảo tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa...", ông bà Võ Ta- Phan Thị Đay (xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại rưng rưng nước mắt. Cụ Ta bảo: "Dù có người báo trước giờ phát, nhưng khi nghe bản tin, tôi lại không cầm lòng. Trong số 64 người lính hy sinh ở Gạc Ma ngày ấy, có người con trai hiếu thảo của cụ là liệt sĩ Võ Đình Tuấn (xã
Cụ Ta cho biết, ngày Tuấn nhập ngũ anh đã có người yêu đang học Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang. Khi nghe tin anh hy sinh, chị N.T.D, người yêu của anh chết lặng cả người. Thời gian sau đó, chị vẫn viết thư cho anh. Những lá thư không đến tay người nhận nhưng chị D. vẫn hy vọng "biết đâu Tuấn sẽ trở về". 10 năm sau, chị D. mới lập gia đình...
![]() |
Cụ bà Phan Thị Đay bên di ảnh liệt sĩ Võ Đình Tuấn. |
Ở Cam Ranh bây giờ, hàng xóm ai cũng biết "vợ liệt sĩ Gạc Ma" Đỗ Thị Hà. Chị Hà là vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (quê Hoa Lư, Ninh Bình). Chị Hà cho biết, chị yêu anh Doanh là do anh Trần Văn Phương (cũng là liệt sĩ Gạc Ma) mai mối, nên cả nhà xem anh Phương như người thân. "Ngày chuẩn bị lên tàu đi đảo, anh Phương nói với má tôi "hôm nay con ăn cơm nhà má bữa cuối má à" nên bị má mắng. Không ngờ, chỉ tuần sau cả nhà nghe tin cả anh Phương và anh Doanh đều hy sinh", chị Hà đẫm lệ nhắc chuyện cũ. Chồng mất khi con còn đỏ hỏn, chị đã nén nỗi đau vào trong, bươn chải nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. "Hồi trước, một số người từng là đồng đội với anh Doanh trên tàu đến thăm tôi. Tôi hỏi lúc ấy anh Doanh ở đâu, họ nói ảnh còn ở trong hầm tàu... Cách đây mấy năm, ngư dân vớt được hài cốt một số liệt sĩ ở tàu chìm ở gần Gạc Ma, tôi lấy mẫu xét nghiệm ADN với hy vọng có hài cốt của chồng mình nhưng không phải. Năm 2009, tượng đài Cam Ranh xây dựng, tôi thấy có tên anh Doanh ở đó. Vậy là tôi có chỗ nhang khói cho chồng, cũng ấm lòng hơn", chị Hà nức nở.
Dòng máu Trường Sa
25 năm đã qua, đủ cho một lớp người trưởng thành. Nhiều con em của các liệt sĩ, cựu binh Trường Sa năm xưa đang tiếp bước cha anh, trong đó có Trần Thị Thủy, con gái của anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương. Ngày anh Phương hy sinh, anh không hề biết mình sẽ có một người con gái, bởi khi ấy vợ anh chỉ mới mang thai hơn 1 tháng. Những gì Thủy cho biết về cha mình là qua lời kể của bà và ký ức đầy nước mắt của mẹ với vài tấm hình ít ỏi còn lại. Lớn lên, khi thi hài của cha được chuyển từ Trường Sa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà, Thủy càng thấm thía nỗi nhớ cha.
![]() |
Chị Đỗ Thị Hà và liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh trong ngày cưới. |
Từ đó, chị ao ước được đến Trường Sa, được đến vùng biển mà người cha thân yêu đã ngã xuống. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học, Thủy đã lặn lội từ Quảng Bình vào Lữ đoàn 146 (vùng D Hải quân) xin làm một việc gì đó ở Trường Sa, tiếp nối con đường mà người cha đã đi. Các đồng đội của anh Phương đang giúp Thủy biến ước mơ thành hiện thực khi nhận Thủy vào làm cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146, nơi anh Phương từng công tác.
Năm 2010, Thủy được đến Trường Sa, đến vùng biển Cô Lin nhìn tận mắt nơi cha mình đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ cờ đẫm máu trên bãi Gạc Ma. "Khi cả đoàn công tác làm lễ tưởng niệm, em hướng mắt về phía Gạc Ma thì thầm "ba ơi, con đang ở Trường Sa đây" rồi bật khóc thành tiếng...", Thủy xúc động hồi tưởng. Càng ngày, Thủy càng gắn bó hơn với người cha của mình, những khi cần quyết định một chuyện gì đó, Thủy thường tới phòng truyền thống của Lữ đoàn 146, nơi có chân dung của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương cùng những đồng đội của ông để thêm tự tin, sáng suốt đưa ra quyết định cuối cùng... Và Thủy đã tự hứa với lòng mình, phải sống xứng đáng với sự hy sinh của cha và những đồng đội của ông.
Hoàng Văn - Xuân Thành