Đóng tàu theo NĐ 67/2014: Vì sao ngư dân chưa mặn mà?

Thứ sáu, 19/12/2014 10:14

(Cadn.com.vn) - Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định phê duyệt danh sách 33 chủ tàu có đủ các điều kiện để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Riêng H. Thăng Bình được phân bổ 14 tàu, trong đó có 7 tàu vỏ thép, 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và 6 tàu vỏ gổ. Tuy nhiên nhiều ngư dân trong huyện lại không mấy mặn mà khi quyết định này được triển khai. Vậy nguyên nhân vì sao lại có sự việc này?

Năm nay, nhóm hộ ông Phan Thu, Đặng Tấn Ba, Nguyễn Văn Hùng và Đặng Văn Hai, ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh được chọn làm thí điểm đóng tàu mới bằng vỏ thép với công suất 810CV, nguồn dự toán kinh phí theo hồ sơ được phê duyệt là hơn 12 tỷ đồng. Ông Thu cho biết: "Điều lo lắng nhất của anh em chúng tôi là hiện vẫn chưa am hiểu thế nào là tàu vỏ thép, kỹ thuật đóng tàu, nguyên lý hoạt động và vận hành. Nếu bỏ một số tiền quá lớn như vậy mà không hoạt động được, hoặc không biết cách sử dụng để phát huy hết công năng của nó, thì không thể nào ra khơi bám biển dài ngày được, chưa nói đến việc có đem lại sản lượng cao hay không?".

Hầu hết tàu thuyền đánh bắt hải sản ở Quảng Nam lâu nay vẫn cập các cảng cá
tại Đà Nẵng để tiêu thụ sản phẩm.

Theo ước tính năm 2014, sản lượng khai thác hải sản của xã Bình Minh đạt hơn 10.000 tấn, tăng gần 3 tấn so với năm 2013, trong đó riêng nghề câu mực khơi và những sản phẩm đánh bắt gần bờ chiếm một tỷ lệ lớn. Đối với nghề câu mực khơi, Bình Minh chưa có cơ sở thu mua chế biến loại sản phẩm này. Hầu hết sản phẩm đều được các tư thương ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định vào thu mua, nên ngư dân nơi đây thường xuyên bị ép giá. Riêng đối với sản phẩm đánh bắt gần bờ, mặc dù địa phương vẫn đang có một số cơ sở thu mua chế biến hải sản, cơ sở đông lạnh, nhưng đầu ra của các loại hải sản này vẫn chưa ổn định, giá cả còn lên xuống thất thường do chưa có một bến bãi ổn định.

Theo ngư dân Võ Hồng Nhân, một trong 2 ngư dân của tỉnh đăng ký đóng mới tàu hậu cần nghề cá lần này, sắp tới, khi những tàu cá được đóng theo Nghị định 67 có giá trị lớn, công nghệ đánh bắt hiện đại, thì sản phẩm làm ra cũng sẽ nhiều hơn. "Nhưng với cách tiêu thụ sản phẩm như hiện nay, thì ngư dân vẫn là người chịu thiệt thòi. Họ là những người trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng giá cả lại do người khác quyết định. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét và nhanh chóng hỗ trợ vốn để những ai có nhu cầu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện được mục tiêu của mình", ông Nhân đề xuất.

Theo nội dung trong quyết định của UBND tỉnh, để thực hiện Nghị định 67, các chủ tàu phải chịu trách nhiệm lựa chọn và chủ động liên hệ với một Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh  hoàn chỉnh các hồ sơ vay vốn theo yêu cầu và thống nhất các nội dung ký kết hợp đồng vay vốn; đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá, quản lý, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, và hoàn trả nợ gốc, lãi vay theo đúng kỳ hạn. Ông Trương Công Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh cho hay, thực hiện theo Nghị định này, hầu hết những ngư dân trong xã đều thực hiện đảm bảo các tiêu chí, nhưng vì nguồn vốn được phê duyệt quá chậm, ngư dân không đủ kinh phí để đóng mới tàu theo đúng lịch để vươn khơi. "Mỗi năm có mùa chuyến biển, nếu nguồn kinh phí có phân bổ vào lúc này, ngư dân sẽ không thể tập trung đóng mới tàu, trong khi số tiền lãi và gốc phải trả trong mỗi năm gần 100 triệu đồng", ông Bảy nói.

Có thể nói, Đề án của Chính phủ thép hóa vỏ tàu cho ngư dân là một chủ trương hết sức đúng đắn và rất kịp thời trong điều kiện nước ta đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trên biển Đông. Nhưng ở một địa phương như Bình Minh, việc chưa am hiểu về hoạt động của tàu vỏ thép, trong khi nguồn vốn lại không phân bổ kịp thời, đó chính là nguyên nhân chủ yếu khiến những ngư dân nơi đây đang còn e dè khi tiếp cận với Nghị định này.

Thành Châu- Tấn Mẫn