Động thái "xuống thang" bất ngờ của Tổng thống Nga – Mỹ

Thứ ba, 22/02/2022 16:31

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí về mặt nguyên tắc tiến hành một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin với điều kiện Moscow không can thiệp quân sự vào Ukraine.

Binh sĩ Ukraine tại một chốt gác ở tiền tuyến gần vùng Donetsk. Ảnh: AFP

Theo AFP, sau thông báo của Điện Elysee (Phủ Tổng thống Pháp), Nhà Trắng ngày 20-2 xác nhận, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí về mặt nguyên tắc tiến hành một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu Moscow không can thiệp quân sự vào Ukraine. Thông cáo của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Mỹ "cam kết theo đuổi lộ trình ngoại giao cho tới khi một cuộc can thiệp quân sự bắt đầu. Tổng thống Biden đã chấp nhận về mặt nguyên tắc tổ chức hội đàm với Tổng thống Putin... nếu không xảy ra một cuộc can thiệp quân sự". Bà Psaki nói thêm: "Chúng tôi cũng sẵn sàng buộc Nga phải chịu những hậu quả nhanh chóng và nghiêm trọng nếu Moscow lựa chọn chiến tranh. Và hiện tại, Nga dường như vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện rất sớm nhằm vào Ukraine".

Theo Reuters, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chấp nhận lời mời gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào cuối tuần tới, với điều kiện Nga không can thiệp quân sự vào Ukraine. Trước đó, ông Blinken cho hay ông đã gửi một bức thư tới người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để đề nghị tổ chức một cuộc gặp trực tiếp tại châu Âu vào tuần tới. Ông Blinken cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine và tuyên bố không có kế hoạch tấn công nước láng giềng này.

Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết chưa có kế hoạch cụ thể nào cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. "Còn quá sớm để nói về bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để tổ chức bất kỳ hội nghị thượng đỉnh", hãng tin AFP dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết sau khi Paris thông báo về khả năng tổ chức một cuộc gặp nhằm xoa dịu căng thẳng về khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hai nhà lãnh đạo có thể tiến hành một cuộc điện đàm hoặc cuộc họp bất cứ lúc nào. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng phản bác cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga đã lập danh sách người Ukraine "bị giết hoặc đưa vào trại" khi tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Kiev. Ông khẳng định: "Đây là thông tin tuyệt đối vô căn cứ, danh sách này không tồn tại, đây là điều giả mạo".

Trước đó, vào tối 20-2, Tổng thống Pháp đã thông báo ngắn gọn với người đồng cấp Mỹ về nội dung cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine. Trong cuộc gọi với Tổng thống Putin hôm 20-2, Tổng thống Macron đã đề nghị dàn xếp các cuộc hội đàm theo mô hình Normandy "trong vài giờ tới" để đảm bảo một lệnh ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Donbass ở Đông Ukraine. Điện Kremlin xác nhận "2 nhà lãnh đạo nhất trí duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ khác nhau", nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch này.

Ông Macron cũng nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người được cho là đã "xác nhận quyết tâm của ông về việc không phản ứng trước các hành động khiêu khích và tôn trọng lệnh ngừng bắn". Căng thẳng giữa quân đội chính phủ và phe ly khai ở Đông Ukraine ngày càng leo thang. Lãnh đạo các thiết chế chính trị tự xưng tại Đông Ukraine thông báo sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại quân đội chính phủ Ukraine mở đợt tấn công nhằm vào lực lượng ly khai.

Năm 2015, Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã ký Thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt chiến sự đẫm máu ở miền Đông Ukraine giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai. Tuy nhiên, suốt 8 năm qua, thỏa thuận này vẫn không được thực hiện đầy đủ. Các bên vẫn vi phạm lệnh ngừng bắn. Tổng thống Joe Biden hôm 18-2 cho biết ông tin rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã "đưa ra quyết định" tấn công Ukraine. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 20-2 nhắc lại tuyên bố này.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20-2 (giờ địa phương) đã yêu cầu các công dân Mỹ ở Nga chuẩn bị "kế hoạch sơ tán", cảnh báo về các cuộc tấn công vào khách sạn, ga tàu điện ngầm và các mục tiêu khác ở các thành phố lớn của Nga. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển đại sứ quán từ Kiev đến Lviv, đồng thời kêu gọi công dân Mỹ ở Ukraine và nước láng giềng Belarus rời đi. Moscow nhiều lần phủ nhận ý định tấn công Ukraine và nói rằng Mỹ cũng như các thành viên NATO khác đang làm leo thang căng thẳng an ninh trong khu vực. Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã nhắc lại quan điểm của Moscow trong một cuộc phỏng vấn với CBS hôm 20-2, khẳng định "không có cuộc tấn công nào" xảy ra.

Trước đó cùng ngày, theo công ty công nghệ Maxar của Mỹ, những hình ảnh vệ tinh cho thấy các đợt triển khai mới binh sĩ và khí tài của Nga gần biên giới Ukraine. Các bức ảnh cho thấy "nhiều hoạt động triển khai mới trên thực địa các thiết bị bọc thép và binh sĩ" từ các vị trí quân sự hiện nay tiến vào các khu rừng và cánh đồng cách biên giới của Nga với Ukraine khoảng 14-30km.

KHẢ ANH