Khai mạc Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV:

Đồng ý ban hành Luật Cảnh vệ và Luật Công an xã

Thứ ba, 16/08/2016 08:59

(Cadn.com.vn) - Sáng 15-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ hai. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 15 đến 17-8.

Phiên họp tập trung vào những nội dung sau: Thứ nhất là đánh giá kết quả bước đầu việc tổ chức Kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV. Thứ hai là nghe báo cáo và cho ý kiến về hai dự án luật để chuẩn bị trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, đó là dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật Công an xã. Thứ ba là cho ý kiến về hai Tờ trình của Chính phủ liên quan đến điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 và việc sử dụng vốn, trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường và di dân tái định cư.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11); cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Luật Cảnh vệ gồm 5 chương, 29 điều

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phần mở đầu phiên họp sáng 15-8. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình Dự án Luật Cảnh vệ. Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh vệ. Tại phiên họp buổi sáng, các đại biểu nhất trí với Tờ trình và báo cáo thẩm tra, cho rằng Pháp lệnh Cảnh vệ được ban hành năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước cũng như công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Dự án Luật Cảnh vệ được xây dựng gồm 5 chương, 29 điều với các quy định cụ thể về: nguyên tắc công tác cảnh vệ; chính sách của Nhà nước đối với công tác cảnh vệ và lực lượng Cảnh vệ; đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của đối tượng cảnh vệ; nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ...

Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đều đồng tình đưa Pháp lệnh Cảnh vệ lên Luật Cảnh vệ; đồng thời làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến sự thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; vấn đề khen thưởng, xử lý kỷ luật; sử dụng vũ khí; chế độ chính sách đặc thù; đối tượng cảnh vệ. Nhấn mạnh đây là buổi thảo luận đầu tiên về dự án Luật Cảnh vệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp thu, tổng hợp các ý kiến phát biểu để chuẩn bị cho lần thảo luận thứ hai về Dự án Luật này.

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam – Lào

Sáng 15-8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã hội đàm với Đoàn đại biểu Quốc hội CHDCND Lào do đồng chí Somphan Phengkhammy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào dẫn đầu. Phó Chủ tịch Quốc hội Somphan Phengkhammy khẳng định Lào sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5-9-1962 - 5-9-2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Lào (18-7-1977 -  18-7-2017); tổ chức Lễ khánh thành khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam-Lào tại tỉnh Sơn La, Hội thảo về vấn đề nợ công... Phó Chủ tịch Quốc hội Lào mong muốn hai bên sẽ tiếp tục có sự trao đổi, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc Lào tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban công tác đại biểu của Quốc hội Việt Nam, hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh...

TTXVN

Bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Công an xã

Chiều 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công an xã.Tờ trình dự án Luật do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ: Việc xây dựng dự thảo Luật tạo cơ sở pháp lý mới đầy đủ, tương xứng hơn trong tổ chức hoạt động, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Công an xã; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở. Dự thảo Luật gồm 5 chương, 47 điều.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Công an xã trên cơ sở nâng lên từ Pháp lệnh; việc thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do lực lượng Công an xã đảm nhiệm có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định.

Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật, xác định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, vì cho rằng thực tiễn hoạt động của lực lượng Công an xã theo mô hình này đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, không phát sinh vướng mắc gì lớn. Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công an xã, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2.

B.T - TTXVN