Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thông qua một số dự án Luật

Thứ năm, 18/02/2016 08:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 17-2, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ phiên họp có nhiệm vụ quan trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào tháng 3-2016. Đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng, quyết định thành công của cả nhiệm kỳ. Quốc hội xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao...

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội khóa XIII thông qua dự án Luật đấu giá tài sản, dự án Luật đấu giá tài sản đã được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và dự kiến trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2. Hiện nay, Chính phủ đề nghị khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2016). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị cần khẩn trương thông qua dự án Luật đấu giá tài sản.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiện, dự án Luật đấu giá tài sản có liên quan mật thiết tới Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự. Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được thông qua, nên cần sớm thông qua dự án Luật đấu giá tài sản để tạo sự đồng bộ trong thực thi pháp luật. Ủy ban Pháp luật có quan điểm, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 thì tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2016), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến một dự án luật khác; trong khi đó, quỹ thời gian của kỳ họp thứ 11 thường là 2 tuần như thông lệ tại các kỳ họp cuối nhiệm kỳ của các khóa trước đây nên công tác lập pháp tại kỳ họp này là rất nặng. Do đó, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình kỳ họp thứ 11, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị giữ thời gian trình dự án Luật này theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Về đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự án Luật biểu tình qua thảo luận tại Chính phủ vẫn còn những ý kiến rất khác nhau về những nội dung lớn trong dự án luật. Cụ thể như về đối tượng điều chỉnh của dự án luật, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình... Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII. Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần sớm khẩn trương trình dự án Luật biểu tình. Các ý kiến đều cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền con người, quyền công dân...

Dự án Luật hành chính công, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội và đã được đề xuất từ năm 2013. Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (người có sáng kiến lập pháp) Dự án Luật này đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp. Dự thảo Luật đã được đưa ra xin ý kiến tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học và tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về hành chính công. Tuy nhiên, nội dung của Luật hành chính công cần phải có sự quy định tách bạch phạm vi hành chính công, hoạt động hành chính công với nền hành chính nói chung; nội dung của dự thảo Luật phải rõ ràng, tránh trùng lặp với quy định của các luật hiện hành. Hiện dự án Luật hành chính công chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ, nên đề nghị đại biểu hoàn thiện văn bản gửi Chính phủ cho ý kiến chính thức về đề nghị xây dựng Luật hành chính công để bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, dự án Luật đấu giá tài sản cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để thông qua theo Chương trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; cần trình Quốc hội dự án Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Dự án Luật hành chính công cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện nội dung và theo đúng quy trình lập pháp; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện...

Thời gian còn lại của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về việc cho ý kiến đối với nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Australia về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ. Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình, cho ý kiến về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội (sửa đổi). Quy chế gồm 5 chương, 26 điều, giảm 4 điều so với Quy chế 2008. Quy chế này quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục và điều kiện bảo đảm thực hiện các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Theo chương trình, sáng nay (18-2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật báo chí (sửa đổi); dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Thu Thủy – TTXVN