Dự án đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông: Trên đường về đích
(Cadn.com.vn) - Điều này thể hiện khá rõ khi chúng tôi cùng với đoàn cán bộ của Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT) đi dọc tuyến qua địa bàn khu vực 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông) và chứng kiến không khí lao động khẩn trương với sự liên kết của các đơn vị từ thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cũng như sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền địa phương có đường dây đi qua; bởi đích đến là thời điểm đóng điện vào tháng 4-2014 đã rất cận kề trên công trình trọng điểm này.
Ngay trước lúc lên đường, Phó Giám đốc Ban AMT Lê Đình Quang cho biết, từ chiến dịch thi đua 55 ngày đêm cuối tháng 9-2013 tại địa bàn H. Củ Chi, TPHCM, dự án đã được tiếp thêm nguồn lực để tất cả các đơn vị, địa phương tỏ rõ quyết tâm hoàn thành đường dây (ĐZ) 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Cty Truyền tải Điện quốc gia (EVNNPT).
ĐỒNG LOẠT KÉO DÂY
Đó là nhận xét chung nhất khi tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra trên tuyến đường dây 500kV này sau khi trải qua một chặng đường khá dài với những khó khăn, thử thách đặt ra từ ngày đầu khởi công 23-10-2011 đối với một dự án lưới điện trọng điểm có quy mô lớn.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Ban ATM cho biết, đến thời điểm cuối tháng 2-2014, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu thi công đã cơ bản hoàn tất. Bên cạnh đó các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị như cột thép, cáp quang và phụ kiện dây dẫn, dây chống sét… cũng được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, đủ điều kiện phục vụ công tác kéo dây.
Cty TNHH MTV Xây lắp điện 4 tham gia các gói thầu số 1, số 4 (Đăk Lăk) và số 8 (Đăk Nông) bao gồm mở rộng TBA 500kV Pleiku và 50km ĐZ; trong đó Chi nhánh 4.4 đảm nhận thi công 58 vị trí và 7 khoản néo.
Giám đốc Chi nhánh 4.4 Lê Quốc Huy xác định, đây là công trình trọng điểm quốc gia nên toàn bộ đơn vị đã tập trung phương tiện, nhân lực để đảm bảo thi công đúng tiến độ, chất lượng mặc dù các vị trí thi công có điểm xa đến gần 7 km kể từ QL14, địa hình hiểm trở. Tổng Cty CP Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) là đơn vị đảm nhận thi công nhiều nhất với 142 vị trí/926 vị trí toàn tuyến với chiều dài hơn 67km.
Có mặt tại vị trí 1001-1002 thuộc làng Nét, xã IA Bang, H.Chư Prông (Gia Lai), ông Đặng Ngọc Chương, Phó BCĐ công trình ĐZ 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông cho biết, tại 2 vị trí này, VNECO đang huy động 2 tổ với 30 người tập trung dựng hoàn thiện cột tại vị trí 1001 và triển khai kéo dây, lắp sứ với quyết tâm đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Ngay như ông Lương Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Điện địa phương trong những ngày cuối tháng 2-2014 đã liên tục bám hiện trường để chỉ đạo thi công.
Tại vị trí 2315 thuộc thôn 19, xã EmKroh, H.Cư Mgar (Đăk Lăk), ông Minh khẳng định, đến đầu tháng 3 sẽ dựng xong cột và hoàn thành việc kéo dây vào ngày 30-3. Điện địa phương và Liên danh Cty CP Tập đoàn đầu tư thương mại - công nghiệpViệt Á đảm nhận 46 vị trí thuộc gói số 5 nên vào thời điểm hiện tại, Điện địa phương phải huy động 4 đội với 130 CBCNV cùng với 100 thiết bị, phương tiện có mặt ở hiện trường làm việc theo ca đảm bảo thi công đúng tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư.
Trong khi đó, Cty CP lắp máy (Inco) ở gói thầu số 6 cũng huy động 8 tổ với 115 người để tập trung dựng cột, kéo dây. Ông Bùi Duy Triều, đội trưởng Xây lắp số 6 (Inco) đang chỉ đạo thi công vị trí 2801 thuộc địa bàn xã Ea Pô, H.Cư Jut, Đăk Nông khẳng định, mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. Điều này cũng có nghĩa là đến ngày 7-3 toàn Cty sẽ hoàn thành việc dựng 53 vị trí cột cùng với 7 khoản néo trên chiều dài gần 25km để đến cuối tháng 3 bàn giao công trình cho chủ đầu tư.
Công nhân kéo dây cáp. |
THÁO GỠ NHỮNG NÚT THẮT CUỐI CÙNG
Từ chuyến đi thực tế lần này, chúng tôi nhận ra rằng, để giải bài toán giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao cho nhà thầu thi công vẫn là “nút thắt” không chỉ đối với dự án xây dựng ĐZ 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông mà đối với bất kỳ một công trình nào cũng vậy.
Hơn nữa, đây là công trình liên quan đến nhiều địa phương đi qua các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM. Ban AMT cho biết, để công trình về đích phải tiến hành công tác GPMB 926 vị trí móng liên quan đến 723 nhà nằm trên hành lang tuyến. Đến thời điểm này, về cơ bản công tác GPMB đã được giải quyết nhưng vẫn phát sinh những vấn đề ngoài ý muốn.
Qua tìm hiểu, điểm mấu chốt vẫn là do người dân chưa hiểu hết chế độ chính sách của Nhà nước, nhất là đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, từ thực tế của quá trình triển khai thi công dự án, chúng tôi nhận thấy rằng, sự chỉ đạo và quyết tâm cao của EVNNPT, Ban AMT, các nhà thầu và sự ủng hộ của chính quyền địa phương đã tạo ra sự đồng thuận để công trình sớm về đích.
Chủ tịch UBND H.Cư Jut, tỉnh Đăk Nông cho rằng, công tác GPMB hiện đang được chính quyền tích cực vào cuộc. Một vài trường hợp ở thôn Tân Ninh, thôn 8, xã Nam Dong, H.Cư Jut do người dân chưa hiểu sẽ được giải thích cụ thể để chấp hành nhưng không phải vì vậy mà để ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Được xem là thời kỳ đỉnh điểm nên lực lượng xây lắp đều đang đồng loạt triển khai trên toàn tuyến, nhất là trong 2 tháng 3 và 4-2014 tối thiểu phải có hơn 2.000 công nhân lành nghề với khoảng 80 đội thi công chuyên dựng cột và kéo dây mới đảm bảo được tiến độ. Theo tính toán, khi hoàn thành dự án này, miền Nam sẽ không phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng khoảng 400 triệu kWh, điều đó cũng đồng nghĩa là tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng và có thể hơn nếu nhu cầu phụ tải tăng cao.
Điều quan trọng hơn là sau khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp điện ổn định cho khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015, tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500kV, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, thông suốt, tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia sau năm 2015.
Phương Kiếm