Dự án đường vành đai phía tây Đà Nẵng nguy cơ chậm tiến độ

Thứ ba, 02/06/2020 15:31

Ngày 14-9-2018, UBNDTP Đà Nẵng ban hành Quyết định 4166/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 tuyến đường vành đai phía Tây 2. Theo đó, tuyến đường này có chiều dài 19,3km, chiều ngang rộng hơn 40m đi qua địa bàn H. Hòa Vang, Q. Cẩm Lệ, Q. Liên Chiểu, nối từ đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan đến quốc lộ 14B. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và thành phố, do UBNDTP Đà Nẵng làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông là đơn vị điều hành. Dự án do hai nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng CTGT 1 và Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thi công dự án, được khởi công vào tháng 10-2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2020...

Các đơn vị thi công dự đường vành đai phía Tây phải ngừng thi công vì chưa có mặt bằng.

Ông Bùi Nam Dũng - Phó Chủ tịch UBND H.  Hòa Vang cho biết, cho đến thời điểm hiện nay, dự án đường vành đai phía Tây qua địa bàn huyện vẫn còn vướng mắc 748/1.595 hồ sơ đất đai của người dân,  chưa được giải quyết, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Theo kế hoạch, dự án đường vành đai phía Tây có chiều dài 19,3km, tổng diện tích đất phải thu hồi gần 100ha thuộc địa bàn các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên. Trong đó, diện tích đất ở chiếm 18,2ha (370 hồ sơ), đất nông nghiệp chiếm 23,8ha (900 hồ sơ), đất khác chiếm hơn 56ha (325 hồ sơ). Đã có tổng cộng 847 hồ sơ được người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, cho đến nay  vướng mắc đối với các hồ sơ còn lại chủ yếu tại nút giao thông quốc lộ 14B thuộc xã Hòa Khương với 76 hộ dân chưa được giải tỏa, di dời vào khu tái định cư theo kế hoạch.

Theo ông Dũng, do khu tái định cư mới được quy hoạch và chưa có đất thực tế nên không hộ dân nào ở Hòa Khương dám bàn giao mặt bằng. Người dân lo, nếu bàn giao rồi, dân sẽ không biết tái định cư ra sao.  Vướng mắc dự án tại  các xã Hòa Ninh, Hòa Phú lại liên quan đến giá cả đền bù. Từ lâu nay,  người dân canh tác, sản xuất trên những diện tích đất rừng nhưng đã cải tạo thành đất trồng cây hằng năm, lâu năm, nhưng chưa có giấy tờ pháp lý (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nên giá đền bù đất chưa được người dân thống nhất. Theo quy định, giá đền bù đất rừng hiện nay chỉ là 14 ngàn đồng/m2, trong khi đất sản xuất hàng năm có giá cao hơn, khoảng 80 ngàn đồng/m2, đất lâu năm thì khoảng 40 ngàn  đồng/m2, đây là vấn đề phải xem xét lại. Ông Dũng cũng cho biết, đối với việc xây dựng phương án tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa có mặt tiền giáp quốc lộ 14B ở Hòa Khương, cơ quan chức năng đã giao Sở TN-MT thành phố phối hợp với Hội đồng giải tỏa mặt bằng dự án rà soát lại toàn bộ hồ sơ có vị trí mặt tiền, phân tích rõ hiện trạng sử dụng đất, đồng thời xác minh thông tin về nơi ở của các hộ khác.

Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPĐà Nẵng (BQLDA) cũng cho biết,  do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự án thời gian qua đang bị đình trệ. Các nhà thầu, đơn vị thi công phải nghỉ làm việc, gây ảnh hưởng trầm trọng đến khối lượng công trình dự án và tiến độ hoàn thành dự án. Hiện quá trình bàn giao mặt bằng dự án  đến ngày 21-5-2020 là 847/1.595 hồ sơ (đất ở 9/370 hồ sơ, đất nông nghiệp và đất khác 838/1.225 hồ sơ). Công tác di dời giải tỏa các  phần mộ mới chỉ đạt 52/1.188 trường hợp. Ban QLDA kiến nghị thành phố và ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án tái định cư đối với các hộ dân ở mặt tiền quốc lộ 14B  thuộc xã Hòa Khương.  Đề nghị Hội đồng GPMB tổ chức tiếp dân đối với các hồ sơ đất nông nghiệp và đất khác... nhằm đẩy nhanh công tác GPMB trong thời gian tới.

HỒNG THANH