Dự án hồ chứa nước Ta Hoét: Ai hưởng lợi, ai kích động?

Thứ ba, 22/08/2023 07:10
Dự án hồ chứa nước Ta Hoét ở thôn K''Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng được tỉnh Lâm Đồng đưa vào diện là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, giai đoạn 2021- 2025 và tổ chức đầu tư xây dựng. Tuy nhiên việc khởi công dự án đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân. Vậy, đây là dự án có ý nghĩa như thế nào? Nó phục vụ cho ai? Việc đền bù của địa phương có thật là chưa thỏa đáng? Và, ai giật dây, kích động đồng bào trong dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét?
Các phương tiện tập kết tại lễ khởi công hồ chứa nước Ta Hoét.
Các phương tiện tập kết tại lễ khởi công hồ chứa nước Ta Hoét.

Quy mô dự án

Dự án hồ chứa nước Ta Hoét là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021- 2025. Ngày 20-2-2023, dự án được khởi công xây dựng và theo kế hoạch, tới cuối năm 2025 công trình này sẽ hoàn thành. Đặc biệt, công trình này còn nhằm mục đích ngăn lũ. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cấp nước sản xuất cho 25.800 ha tại các địa phương, đồng thời sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 65.000 dân của huyện Đức Trọng. Diện tích đất phục vụ cho thi công dự án hồ chứa nước Ta Hoét khoảng 163 ha, trong đó đất thu hồi của người dân là gần 97 ha, diện tích còn lại thuộc sông, suối, đường đi liên quan đến 171 hộ dân, trong đó có 108 hộ là người đồng bào K'Ho tại thôn K'Rèn.

Dự án có tổng mức đầu tư được Chính phủ phê duyệt là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự toán khoảng 220 tỷ đồng. Công trình này được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Sở NN&PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019. Dự án hoàn toàn phục vụ cho cộng đồng, phục vụ xã hội, không hề mang tính doanh nghiệp, một cá nhân hay một nhóm lợi ích nào. Các bước triển khai đều thực hiện được công khai đầy đủ và dân chủ, các thủ tục thu hồi đất, kiểm kê đều có ý kiến của các hộ dân tham gia và có thông qua ý kiến của chính quyền cấp xã, thôn; các phương án kiểm kê đều được cơ quan có thẩm quyền công khai gửi đến các hộ để người dân theo dõi; tổ chức nhiều cuộc đối thoại và 5/6 ý kiến của người dân đã được chính quyền đồng ý giải quyết bao gồm: Nâng giá đất bồi thường; Có quỹ đất tái định canh để người dân canh tác; Đền bù chi phí lắp đặt hệ thống điện, ống dẫn nước tưới hoa màu hiện nay; Cải tạo hành lang sông suối; Bố trí việc làm, đào tạo nghề cho người không còn đất sản xuất.

Huyện Đức Trọng cũng quy hoạch khu tái định canh trên diện tích 48 ha cách đó khoảng 3km; giải quyết đào tạo nghề, dạy nghề và bố trí việc làm...

Ai kích động, giật dây?

Lợi ích của dự án hồ chứa nước Ta Hoét rất rõ ràng, nhưng khi dự án còn nằm trên giấy cho đến khi khởi công, đã có rất nhiều thông tin và hình ảnh lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội được góp nhặt và bị bóp méo, xuyên tạc rằng chính quyền đàn áp người dân tộc thiểu số, chính quyền cướp đất của dân…

Vậy, ai và những đối tượng nào đứng sau hô hào kích động khiến người dân phản ứng quá khích như vậy?

Trong số những hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án hồ chứa nước Ta Hoét, ngoài số đông người đồng bào dân tộc thiểu số K'Ho còn giữ tư tưởng rằng, đất đai của cha ông nhiều đời khai phá cần phải giữ lại, thì có một số hộ người Kinh có thái độ bất hợp tác, thường xuyên xúi giục người dân trong thôn K'Rèn không nhận tiền đền bù, không bàn giao đất. Thậm chí đưa ra những yêu sách, đòi hỏi vô lý, gây sức ép với chính quyền. Và, khi những hình ảnh này được đưa lên các trang cá nhân, ngay lập tức vụ việc ở thôn K'Rèn trở nên nóng bỏng, phức tạp qua sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch, đối tượng phản động lưu vong hay các tổ chức truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam. Thượng tá Phạm Đăng Bắc- Phó trưởng Công an huyện Đức Trọng chỉ rõ: "Tổ chức phản động Việt Tân, số đối tượng tham gia trong các tổ chức phản động của người dân tộc thiểu số ở nước ngoài… đứng sau vụ việc này. Chúng rêu rao là lấy đất của đồng bào dân tộc thiểu số để giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sân golf để phục vụ lợi ích nhóm. Những luận điệu đó là xuyên tạc, không đúng sự thật".

Nói về mức đền bù của chính quyền đối với người dân có đất bị thu hồi, ông Nguyễn Ngọc Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Trọng giải thích thêm: "Không có chuyện Nhà nước chỉ bồi thường 20 đến 30 triệu đồng/1.000m2. Vài trường hợp lấn chiếm đất rừng, đất không có giấy tờ và vi phạm thì việc đền bù đương nhiên sẽ khác. Việc xuyên tạc, cho rằng là chính quyền cướp đất của dân, của đồng bào dân tộc thiểu số là vu khống, đây là làm công trình công cộng phúc lợi cho người dân, không có chuyện chính quyền đàn áp dân vì trong tất cả các buổi đối thoại, các buổi tiếp xúc, người dân rất ôn hòa".

Y Quynh Bđăp - đối tượng đứng đầu tổ chức "người Thượng đứng lên vì công lý" cũng được dịp lu loa rằng: Người Thượng sắc tộc K'Ho ở Tây Nguyên bị cướp đất giao cho công ty Hàn Việt. Đài Á Châu Tự Do (RFA) vin vào những hình ảnh đăng tải rồi dựng chuyện Cảnh sát cơ động trấn áp người dân khi lực lượng này bảo vệ việc thi công dự án.

Từ sự việc này, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch đấu tranh, làm rõ việc móc nối vào nội địa, lôi kéo kích động người dân gây rối của các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài, đưa các đối tượng tiếp tay cho các thế lực thù địch để chống phá, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước và nhân dân để xử lý trước pháp luật. Đối với người dân thôn K'Rèn, thiết nghĩ họ cần nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của dự án mà sắp tới họ chính là người được hưởng lợi từ chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước. Và, trên hết, cần tỉnh táo trước âm mưu của các thế lực thù địch, không để chúng lợi dụng, tự hủy hoại cuộc sống bình yên của thôn làng mình.

ĐỨC HUY