Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua Núi Thành (Quảng Nam): Mỗi lần khiếu nại là tăng tiền bồi thường

Thứ hai, 04/08/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua địa phận H. Núi Thành hiện nay vẫn còn 100 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù để giao mặt bằng. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 30-6, tất cả các địa phương nằm trong dự án phải hoàn thành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vậy nguyên nhân do đâu?

CỨ KHIẾU NẠI LÀ TĂNG TIỀN

Nhiều người dân xã Tam Anh Nam, Tam Nghĩa, TT Núi Thành (H. Núi Thành) cho biết, nguyên nhân khiến họ chưa đồng ý giao mặt bằng là do việc áp giá đền bù đất và tài sản quá ít lại không công bằng, thiếu thống nhất khiến họ nghi ngờ, so bì. Bà Phạm Thị Luynh Khương (thôn Định Phước, Tam Nghĩa) đang khiếu nại lên chính quyền lẫn cơ quan giải tỏa, bồi thường dự án, cho biết: Ban đầu, UBND H. Núi Thành thu hồi 48,20m2 đất phía trước của gia đình nhưng đền bù giá đất vườn (32.000 đồng/1m2 = hơn 2,3 triệu đồng). Gia đình không chấp nhận và khiếu nại thì UBND huyện lại điều chỉnh sang đất ở để đền bù với giá 752.000 đồng/1m2 và kèm theo hơn 4,4 triệu đồng tiền hỗ trợ về nhà ở, công trình, vật kiến trúc với tổng số tiền hơn 36 triệu đồng. Không đồng ý, gia đình bà Khương tiếp tục khiếu nại thì số tiền lần ba được nâng lên gần 41 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bà Khương cho biết, ngôi nhà sau khi giải tỏa nằm sát đường, không có hành lang ATGT nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như ATGT. Việc kiến nghị đập dỡ phần nhà phía trước lùi sâu vô 3m để có hành lang ATGT theo quy định nhưng chưa được các cơ quan chức năng chấp nhận. Trong khi đó, theo điểm 4.3 của Công văn số 180 ngày 26-5-2014 của UBND tỉnh Quảng Nam về giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án mở rộng QL1A qua đoạn TT Núi Thành và xã Tam Nghĩa, nêu rõ: Trường hợp hộ gia đình có đề nghị và thấy thật cần thiết phải phá dỡ cả tường trước và xây lùi vào trong, để đảm bảo an toàn cho sinh hoạt, đảm bảo ATGT. Hội đồng BTGPMB xem xét cụ thể, vận dụng quy định về BTHT của UBND tỉnh, để giải quyết với phạm vi chấn động tối đa tính từ vạch GPMB vào không quá 3,5m.

Gia đình bà Phạm Thị Luynh Khương cho rằng cần giải tỏa thêm nhà mình để có hành lang.

Bà Nguyễn Thị Dần (1962, khối 3, TT Núi Thành) trình bày: Năm 1995, gia đình bà mua nhà của ông Phan Sáu có diện tích 112m2. Tuy nhiên, khi làm sổ đỏ bị thiếu 30,5m2, bà nhiều lần làm đơn xin điều chỉnh nhưng địa phương hứa hẹn không giải quyết. Nay thi công QL1A đã lấy đi nhiều diện tích đất của gia đình nhưng chỉ bồi thường phần đất nằm trong sổ đỏ. Không những thế, dù là đất mặt tiền nhưng lại áp giá đền bù đất vườn với mức 32.000 đồng/m2. Trong khi đó, ngay cạnh nhà bà Dần là nhà ông Sáu và nhà ông Nguyễn Văn Chính được áp giá bồi thường theo diện đất ở với mức 1,84 triệu đồng/m2.

Ngoài trường hợp của bà Khương, hộ bà Võ Thị Huỳnh (khối 5, TT Núi Thành), ban đầu chỉ được đền bù 45 triệu đồng, gia đình khiếu nại được tăng lên 67 triệu đồng. Gia đình không chấp nhận tiếp tục làm đơn, mới đây đại diện cơ quan GPMB áp giá lên 140 triệu đồng....

Còn tại xã Tam Anh Nam, bà Trần Thị Kim Phượng (1938) cho biết: Nhà tôi đang ở là một khối tổng thể liền kề có diện tích 103,6m2 nhưng khi đền bù bị chia ra nhiều phần, giá đền bù trung bình 870.000 đồng/m2. Với giá trị đền bù đó thì tôi không thể hoàn thiện phần móng xây nhà để ở khu TĐC mới chứ chưa nói nói đến chuyện làm nhà… Và cũng như các hộ khác, sau khiếu kiện, gia đình bà Phượng lại được “điều chỉnh” thêm gần 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã Tam Anh Nam và xã Tam Nghĩa đều là hai xã giáp hai đầu với TT Núi Thành. Cả hai xã đều được áp khung giá đất ở là loại đất nông thôn đối với xã đồng bằng. Thế nhưng, Tam Nghĩa giá đất ở được áp là 752.000 đồng/m2, còn xã Tam Anh Nam chỉ áp với giá 500.000 đồng/m2.

Ngoài ra, người dân còn phản ứng vì giá đất bồi thường thấp so với các huyện khác, như tại TT Hà Lam (H. Thăng Bình) giá đất cao nhất là 4 triệu đồng/m2, trong khi tại H. Núi Thành cao nhất chỉ 2,2 triệu đồng/m2.

Do chưa chịu mức đền bù nên nhà bà Trần Thị Kim Phượng còn “trụ lại” bên đường.

KHÔNG HOÀN THÀNH THỜI HẠN CHÍNH PHỦ GIAO

Do dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua địa phận H. Núi Thành nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nên H. Núi Thành có 2 đơn vị thực hiện kiểm kê tài sản và áp giá đền bù là Trung tâm Phát triển quỹ đất H. Núi Thành và Trung tâm Bồi thường GPMB Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam. Ông Phan Châu Hoàng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất H. Núi Thành cho biết, đến nay toàn huyện còn hơn 100 hộ vướng GPMB, trong số các hộ này có nhiều trường hợp giống bà Nguyễn Thị Dần là diện tích sổ đỏ sai so với diện tích thực tế do việc quản lý nhà nước về đất đai có nhiều bất cập.

Trường hợp này, địa phương đang kiến nghị UBND huyện cho tiến hành xác minh nguồn đất để tiến hành đền bù. “Nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong GPMB là do khó khăn về việc xác định tài sản để áp giá đền bù. Do lịch sử để lại, việc xác định nguồn gốc, người hưởng quyền lợi đất đai của từng hộ phức tạp… Nếu hộ dân nào không nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng thì Trung tâm sẽ gửi tiền vào ngân hàng và tiến hành cưỡng chế lấy mặt bằng cho chủ đầu tư. Còn hộ dân nào khiếu nại thì trả lời sau”, ông Hoàng giải thích.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TT Núi Thành, người dân cho rằng cứ khiếu nại lại tăng tiền là do các trung tâm GPMB kiểm kê tài sản thiếu sót, khi dân khiếu nại thì mới tiến hành bổ sung nên nhiều người dân có suy nghĩ cứ khiếu nại là được tăng thêm tiền. Ngoài việc chậm trễ khắc phục, các cơ quan GPMB hứa với dân mà không thực hiện khiến họ mất niềm tin. Đến nay tại TT vẫn còn hơn 50 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng vì còn kiến nghị, khiếu nại về đất đai và tài sản.

Như vậy, nguyên nhân việc bồi thường, hỗ trợ chưa đúng với hiện trạng đo đạc, giá cả chưa khách quan khiến người dân khiếu kiện. Và thời hạn mà Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam phải bàn giao hết mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công trước ngày 30-6 đã không hoàn thành được.

Bão Bình