Dự án thủy điện Đắk Mi 3: Hơn ngàn khối gỗ "bỏ quên" giữa rừng

Thứ sáu, 26/07/2019 13:59

Để xây dựng công trình thủy điện Đắk Mi 3 (H. Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), có đến hàng chục héc-ta rừng tự nhiên bị ảnh hưởng. Ngoài khu vực lòng hồ thủy điện, khu vực tuyến lưới điện truyền tải của dự án trên cũng "ngốn" một phần lớn diện tích rừng phòng hộ. Điều đáng nói, theo thống kê của cơ quan chức năng, số lượng gỗ bị đốn hạ phục vụ cho dự án trên lên đến hàng ngàn mét khối, tuy nhiên, số gỗ đưa ra khỏi rừng tận dụng bán đấu giá chỉ hơn 200m3, còn hàng ngàn mét khối còn lại bỏ trong rừng khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Diện tích rừng dưới đường dây truyền tải điện Đắk Mi 3 đã bị cạo trọc, trông giống như một vết chém dài xuyên suốt cả cánh rừng. 

Nói về dự án trên, ông Nguyễn Văn Tình- Hạt trưởng, kiêm Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk Mi cho biết, theo thống kê cho thấy có khoảng hơn 2.000 m3 gỗ bị đốn hạ phục vụ cho dự án thủy điện Đắk Mi 3. Số gỗ được tận dụng đưa ra khỏi rừng chủ yếu nằm ở khu vực lòng hồ và gần đường giao thông, số còn lại nằm bên trong rừng sâu, muốn đưa ra phải mở đường vào để vận chuyển, trong khi UBND tỉnh Quảng Nam không cho phép việc mở đường tác động đến diện tích rừng xung quanh, nên hiện tại vẫn còn số lượng gỗ lớn đã cưa ngã nằm dọc theo đường dây truyền tải điện của dự án.

Trước đó, theo Quyết định số 3637/QĐ-UBND ngày 4-12-2018 của UBND tỉnh Quảng Nam về "Phê duyệt chi phí khai thác, thu gom và giá khởi điểm để bán đấu giá gỗ tận dụng xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Đắk Mi 3", địa điểm khai thác gỗ tận thu thuộc các khu sau: Khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Mi 3 (Tiểu khu 712, xã Phước Công và Tiểu khu 717, xã Phước Lộc, H. Phước Sơn); khu vực lưới điện truyền tải của dự án thủy điện Đắk Mi 3 (Tiểu khu 683, 684 xã Phước Chánh, Tiểu khu 655, 656, 661 xã Phước Hòa; Tiểu khu 687 xã Phước Kim, H. Phước Sơn). Tổng diện tích gỗ rừng bị ảnh hưởng được tận thu có diện tích 16,72ha, khối lượng gỗ được tận thu đã đem ra khỏi rừng tập kết ở các điểm là 235m3.

Như vậy, có thể thấy số lượng gỗ rừng tự nhiên bị đốn hạ phục vụ cho dự án thủy điện Đắk Mi 3 hơn 2.000m3, trong khi đó số gỗ được tận thu đem ra khỏi rừng chỉ hơn 200m3. "Hoạt động thu gom gỗ tận thu của dự án trên đã xong từ lâu rồi. Trước đây khi triển khai gỗ kéo ra được một ít, một phần còn lại hủy tại rừng do địa hình đồi dốc hiểm trở không kéo ra được. Trong khi tỉnh không cho tác động đến diện tích rừng xung quanh nên chỉ kéo những cây ở gần đường. Diện tích rừng bị ảnh hưởng hơn 16ha đó bên thủy điện họ bồi thường được 1,9 tỷ đồng, còn số tiền bán đấu giá được trừ hết chi phí cũng không còn lại bao nhiêu", ông Nguyễn Quảng- Phó Chủ tịch UBND H. Phước Sơn thông tin thêm.

Một phần số gỗ tận thu từ dự án thủy điện Đắk Mi 3 bị hư hỏng bỏ lại bãi tập kết.

Mới đây, chạy ghe máy dọc theo lòng hồ thủy điện để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, khi đến những khu vực rừng bị ảnh hưởng trên, ông Nguyễn Văn Tình chỉ cho chúng tôi xem những cây gỗ không kéo ra được còn nằm ngổn ngang dưới đường dây điện. Những cánh rừng phòng hộ xanh ngút bạt ngàn xung quanh, nhưng khi nhìn diện tích rừng dưới đường dây truyền tải điện đã bị cạo trọc, trông giống như một vết chém dài xuyên suốt cả cánh rừng. Trong khi những thân cây rừng nằm bên dưới đường dây điện bị đốn ngã, đang ngày mục nát khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Được biết, dự án thủy điện Đắk Mi 3 là hệ thống bậc thang thứ 3 trong 4 bậc thang thủy điện được xây dựng trên sông Đắk Mi, đây là nhánh thượng lưu của sông Vu Gia. Toàn bộ diện tích xây dựng dự án nằm trên địa bàn các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Lộc, Phước Kim và Phước Hòa (thuộc H. Phước Sơn). Đây là dự án thủy điện có đập tràn kiểu phím piano lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự án có công suất lắp máy 63MW, tổng vốn đầu tư 1.626 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ ngày 29-4-2014 và hoàn thành sau 3 năm thi công (khánh thành ngày 18-8-2017) do Tổng Cty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam IDICO làm chủ đầu tư. Cùng với các dự án thủy điện trên dòng sông Đắk Mi, dự án thủy điện Đắk Mi 3 được đưa vào sử dụng một lần nữa đã ngăn chặn dòng chảy chính từ thượng nguồn theo sông Vu Gia đổ về hạ du một số địa phương của Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

BÃO BÌNH