Dự án trồng rừng phòng hộ ở Tiên Phước không đảm bảo quy định

Thứ sáu, 26/04/2024 08:30
Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam về việc kiểm tra, xử lý báo cáo vụ việc mà Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng phản ánh liên quan đến bài viết “Thiếu sự giám sát tại Dự án Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn ở Tiên Phước”, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam vừa thành lập đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều thiếu sót, không đảm bảo quy định trong công tác trồng và chăm sóc rừng phòng hộ tại địa phương này.
Việc trồng rừng không đảm bảo quy định khi cây giống trồng dưới tán cây keo.
Nhiều cây sao đen giống còn nguyên bầu bị vứt bỏ ở khu vực rừng trồng.

Không đảm bảo quy định

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, trong hai năm 2020 và 2021, Ban quản lý dự án trồng rừng huyện Tiên Phước (BQL trồng rừng) thực hiện việc trồng rừng trên địa bàn 3 xã Tiên Cảnh, Tiên Lãnh và Tiên Ngọc với tổng diện tích 56,5ha, kinh phí gần 1,1 tỷ đồng.

Tại xã Tiên Cảnh, kết quả kiểm tra trồng rừng năm 2020 ở 4/9 lô (lô 4, 5, 6, 9), tương ứng diện tích kiểm tra là 13,17ha/30ha. Tại lô thiết kế trồng rừng số 4 (diện tích thiết kế 3,65ha) không phát hiện cây trồng chính (lim xanh, sao đen); các điểm kiểm tra còn lại trên lô có cây trồng chính, tuy nhiên tỷ lệ cây sống thấp, bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng là 33,1% so với mật độ thiết kế.

Đối với lô thiết kế trồng rừng số 6 (diện tích thiết kế 3,41ha), trong lô có khoảng 0,7 ha cây tự nhiên đang phục hồi sinh trưởng phát triển tốt. Đối với diện tích 0,7 ha nêu trên, không phát hiện cây trồng chính; các điểm kiểm tra còn lại trên lô có cây trồng chính, tuy nhiên tỷ lệ cây sống tương đối thấp, bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng là 52,51% so với mật độ thiết kế.

Đối với lô thiết kế trồng rừng số 5 (diện tích thiết kế 4,33 ha), tại các điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận có cây trồng chính, tuy nhiên, tỷ lệ cây sống tương đối thấp bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng là 55,51% so với mật độ thiết kế. Đối với lô thiết kế trồng rừng số 9 (diện tích thiết kế 1,78ha), tại các điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận có cây trồng chính, bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng là 76,52% so với mật độ thiết kế.

Đối với công trình trồng rừng năm 2021, tại xã Tiên Ngọc tổ chức kiểm tra 2/3 lô (lô 1, 2), tương ứng diện tích 5,37ha/8,5ha. Kết quả kiểm tra ở 2 lô này, vị trí thi công trồng rừng trùng với vị trí thiết kế theo hồ sơ được duyệt; trên lô trồng rừng, cây keo hiện đang sinh trưởng và phát triển rất tốt (mật độ khoảng trên 4.000 cây/ha với cả 2 lô). Tại các điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận có cây trồng chính, bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng là 57,01% so với mật độ thiết kế (lô 1) và 61,52% so với mật độ thiết kế (lô 2).

Tại xã Tiên Lãnh, tổ chức kiểm tra 2/4 lô (lô 4, 6) tương ứng diện tích 7,99ha/18ha. Tại các điểm kiểm tra 2 lô này, đoàn ghi nhận có cây trồng chính. Tuy nhiên, tỷ lệ cây sống thấp. Bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng ở lô 4 là 9,0% so với mật độ thiết kế và lô 6 là 10,5% so với mật độ thiết kế v.v.

Theo báo cáo của BQL dự án trồng rừng huyện Tiên Phước, trong năm 2022, đơn vị không tổ chức chăm sóc rừng đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Do đó, thực bì phát triển nhanh, chèn ép cây trồng, làm cho cây chậm phát triển và chết. Còn theo đánh giá của đoàn kiểm tra, đơn vị chưa thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế trồng và chăm sóc rừng trồng đã được Sở NN&PTNT phê duyệt, cụ thể: trong quá trình chăm sóc, chưa loại bỏ triệt để cây keo trong diện tích thiết kế trồng rừng; không thực hiện chăm sóc rừng trồng theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt, mặc dù tỉnh đã bố trí kinh phí để thực hiện chăm sóc. Về tỷ lệ sống, theo kết quả kiểm tra, cả 2 công trình thực hiện trong năm 2020 và 2021 có tỷ lệ cây sống không đảm bảo quy định, trong đó có một số lô trồng rừng có tỷ lệ cây sống dưới 50% so với mật độ thiết kế (tại xã Tiên Lãnh 4 lô, xã Tiên Cảnh 1 lô).

Việc trồng rừng không đảm bảo quy định khi cây giống trồng dưới tán cây keo.

Cần loại bỏ triệt để cây keo

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân có thể dẫn đến rừng trồng đạt kết quả thấp, như khu vực thiết kế trồng rừng có nhiều trâu, bò của người dân thả rong dẫm đạp, làm cho cây trồng ngã, đổ; việc rừng trồng không được chăm sóc liên tục (năm 2022 không thực hiện chăm sóc) tạo điều kiện cho thực bì phát triển nhanh, chèn lấn cây trồng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển cây trồng chính.

Trên cơ sở báo cáo của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, ngày 22-4, Sở NN&PTTN tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 1079 gửi UBND huyện Tiên Phước và BQL trồng rừng Tiên Phước. Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo BQL trồng rừng Tiên Phước khẩn trương tổ chức kiểm tra toàn diện đối với diện tích rừng trồng thuộc dự án Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện; đánh giá chất lượng rừng trồng theo từng lô, có giải pháp trồng bổ sung, chăm sóc rừng trồng để đảm bảo toàn bộ diện tích rừng trồng đạt tiêu chí thành rừng.

Đối với các lô rừng chưa trồng hết diện tích so với hồ sơ thiết kế, phối hợp với hộ nhận thi công tổ chức trồng bổ sung để đảm bảo theo diện tích thiết kế đã được phê duyệt; đối với các lô rừng có tỷ lệ cây sống thấp (dưới 85%) khẩn trương tổ chức trồng dặm ngay trong đầu mùa vụ trồng rừng năm 2024 để đảm bảo tỷ lệ sống của rừng trồng theo quy định. Trong quá trình chăm sóc, kiên quyết loại bỏ cây keo trong diện tích trồng rừng để tạo không gian, dinh dưỡng cho cây trồng chính phát triển. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên tuyền, yêu cầu người dân không chăn, thả trâu, bò trên diện tích trồng rừng; tháo dở các láng trại bò ra khỏi diện tích trồng rừng.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo BQL trồng rừng huyện khẩn trương báo cáo tổng kết và thực hiện quyết toán hoàn thành dự án Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; đồng thời báo cáo kết quả khắc phục công trình trồng rừng phòng hộ thuộc dự án Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Kiểm lâm) để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh.

Bão Bình