Dự án xây dựng cầu treo còn nhiều bất cập
(Cadn.com.vn) - Trong năm 2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đầu tư 12 cầu treo tại 4 huyện của tỉnh Quảng Nam là Tiên Phước, Bắc Trà My, Tây Giang và Hiệp Đức. Trong đó, riêng H. Tiên Phước chiếm đến 9 cầu, còn lại mỗi địa phương trên chỉ xây dựng 1 cầu treo. Cầu treo thôn 2 (xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước) là một trong 9 cầu treo tại địa phương này vừa được đưa vào sử dụng, thế nhưng sử dụng được 1 tuần đã hư hỏng nặng. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có nhiều bất cập trong việc triển khai dự án này.
Việc chọn địa điểm để xây cầu treo là khâu rất quan trọng, tránh trường hợp |
"Ưu ái" huyện trung du
Tiên Phước là huyện trung du, không phải huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Nhiều người cho rằng, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao mơ những nhịp cầu thì vùng trung du Tiên Phước đã hiện thực hóa được dự án cầu vào mùa mưa năm nay. "Việc xây dựng cầu treo ở khu vực có địa hình bằng phẳng là chưa cần thiết. Ở vùng trung du, cái người dân cần là cây cầu bê-tông cốt thép hay cầu bản có quy mô mặt cắt ngang rộng hơn để các loại xe cơ giới có thể qua lại vận chuyển hàng hóa, nông sản. Thực tế, nếu không xây dựng cây cầu này, bà con bên kia sông vẫn có đường đi lại bình thường"- một người dân sống gần cầu treo thôn 2 cho biết.
Mục đích của dự án xây dựng cầu treo dân sinh được Bộ GTVT đưa ra là phục vụ nhu cầu đi lại cấp thiết cho người dân vùng núi. Trong khi đó, đầu tư 9 cây cầu ở vùng trung du Tiên Phước có vẻ chủ đầu tư chú trọng phát triển du lịch hơn là chức năng giao thông. Theo đề án, có nhiều tiêu chí đưa ra để xây cầu treo, nhưng ưu tiên lựa chọn vùng miền núi khó khăn, vượt sông, suối có nguy cơ mất an toàn cao, những nơi kết nối với các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế...), đặc biệt các vị trí học sinh phải đến trường bằng bè mảng; vị trí vượt sông, suối có bề rộng lòng sông, suối lớn hơn 40m, địa hình hiểm trở, có cây trôi... Như vậy nếu đem rà soát các tiêu chuẩn của đề án, thì nhiều huyện ở vùng cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Hiệp Đức... cần thiết đầu tư cầu treo cấp bách hơn Tiên Phước nhiều.
Theo Phòng Triển khai dự án thuộc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (Sở GTVT), mỗi cây cầu treo có giá trị xây lắp cao nhất 6 tỷ đồng, thấp nhất gần 3 tỷ đồng. Lãnh đạo chính quyền một số huyện vùng cao cho rằng, do địa hình miền núi cách trở, tốn thời gian và chi phí xây dựng nên chủ đầu tư ngại đưa tới các nơi xa xôi mà chọn huyện Tiên Phước đầu tư để thuận lợi hơn. Chính điều này đã đi ngược với tinh thần "nhịp cầu yêu thương" khi thực hiện đề án cầu treo dân sinh. "Sự cố" cầu treo thôn 2 xã Tiên Lãnh vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng lại khiến nhiều người lo lắng. Được biết, cây cầu trên dài 50m, rộng 1,5m, do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư với kinh phí 3,2 tỷ đồng, khánh thành ngày 11-11. Tuy nhiên 6 ngày sau đó, cầu đã hư hỏng nặng. Qua quan sát, phần mặt đường ngay sát trụ cầu bị sụt hơn nửa mét, từng mảng bê-tông vỡ vụn, cát sỏi trồi lên mặt đường. Toàn bộ mố cầu nứt toác, kéo dài nhiều mét. Phía dưới chân cầu, nhiều mảng bê-tông mỏng bị sạt, đang bóc ra từng mảng…
Ông Võ Tân Dung (60 tuổi, sống gần cầu treo trên) bức xúc cho biết: "Cầu gì mà bê-tông đổ toàn cát, bên trong mố cầu gần như trống rỗng. Sau một đêm mưa lớn đã hư hỏng nặng. Buổi tối đi xe máy qua không để ý rất dễ bị tai nạn. Cầu được thi công quá sơ sài, chỉ mới khánh thành đã như vậy thì người dân làm sao an tâm đi qua mỗi khi mưa lũ". Còn ông Hoàng Văn Thanh (52 tuổi, trú thôn 1, xã Tiên Lãnh) cho biết thêm, cây cầu trên đầu tư chỉ để phục vụ cho 11 hộ dân bên kia suối. "Mang tên là cầu thôn 2 nhưng lại nối thôn 1 với 11 hộ dân của thôn 4 bên kia suối. Tuy nhiên, cũng rất ít người trong những hộ này đi qua cầu, bởi nước rất cạn, thậm chí có lúc suối trơ đáy. Còn người dân thôn 2 muốn đi qua cây cầu này phải vượt ngọn đồi chưa có đường nên không ai đi qua đây", ông Thanh cho hay.
Ông Lưu Nhựt - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam) cho biết, dù không thuộc mảng phụ trách nhưng nhìn ở góc độ chuyên môn, để xảy ra tình trạng nứt, sụp đường dẫn nối liền thân cầu treo này có thể do việc đầm đất không chặt. Ông Nhựt chia sẻ thêm, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh được ủy quyền một số nhiệm vụ cụ thể trong quá trình làm các cây cầu treo dân sinh này, như xử lý hồ sơ, theo dõi điều hành, quản lý, giám sát một phần việc thi công cho đến khi công trình hoàn thành…Lãnh đạo ban cũng đã tổ chức họp bàn để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Tại vùng cao Nam Trà My, người dân phải đi trên những chiếc cầu như thế này. |
"Bỏ lơ" huyện miền núi
Theo đề án xây dựng cầu dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông cho vùng đồng bào các dân tộc ít người sinh sống trong phạm vi cả nước, số lượng cầu cần xây dựng là 7.800 cầu với tổng mức vốn 12.600 tỷ đồng. Theo đề án này, giai đoạn 1, Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện 186 cầu treo tại 28 tỉnh, thành phố và 295 cầu trong giai đoạn 2 với tổng nguồn vốn lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. |
Trong khi đó, tại huyện vùng cao Nam Trà My, nhiều ngôi làng vẫn phải dùng săm ô-tô để vượt sông mỗi ngày, nhưng lại không được đầu tư làm cầu. Còn nhớ giữa tháng 3 vừa qua, Báo Công an TP Đà Nẵng đã từng có bài phản ánh 70 hộ dân làng Tắk Rối và làng Tu Nương (xã Trà Tập, Nam Trà My) nằm bên cạnh tuyến đường Nam Quảng Nam, bị ngăn cách bởi sông Tranh nên nhiều năm nay dân làng phải dùng săm ô-tô để vượt sông mỗi ngày, nếu như đi vòng phải mất ít nhất 4 tiếng. Sau đó, Tổng cục Đường bộ đã quyết định triển khai đầu tư xây một cây cầu treo dân sinh trị giá hơn 4 tỷ đồng tại đây.
Thế nhưng, bây giờ mùa lũ lại về còn cầu vẫn chưa thấy đâu. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch H. Nam Trà My cho biết, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam nhiều lần khẳng định sẽ làm cầu nơi đây để đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay, nhưng đến nay đó cũng chỉ là lời hứa. Địa phương không nắm rõ nguyên do chậm triển khai do đâu. "Lỡ hứa với người dân rồi, giờ trong các cuộc họp, lãnh đạo địa phương không biết phải giải thích như thế nào với người dân. Người dân vẫn cứ mòn mỏi chờ đợi cây cầu", ông Nguyễn Thanh Lũy, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập chia sẻ…
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho rằng, sau khi có đề án do Bộ GTVT phê duyệt, đơn vị này đã yêu cầu các huyện đề xuất địa điểm để xét duyệt. Hàng chục địa phương đề xuất xin cầu nhưng chỉ chọn làm 12 cái vì không đáp ứng đủ tiêu chí. "Chúng tôi đã đi khảo sát hết, chắc chắn không có chuyện ưu ái huyện nào cả. Đội ngũ đi khảo sát thực tế gồm nhiều đơn vị đã làm đúng quy trình", ông Nhân nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một số huyện cho rằng, do địa hình miền núi cách trở, tốn thời gian và chi phí vận chuyển vật liệu cũng như chi phí xây dựng nên chủ đầu tư "ngại" xây dựng nên chọn H. Tiên Phước làm để đỡ tốn kém!(?).
Bão Bình