Du lịch dựa vào cộng đồng: Làm gì để hút khách?

Thứ ba, 25/08/2015 10:54

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-8, tại TP Đà Nẵng, Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC), Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chi hội PATA Việt Nam (thành viên của Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương) phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực phát triển sản phẩm và phục vụ khách du lịch cộng đồng”. Đại diện AJC, Bộ VH-TT&DL Việt Nam, Bộ Du lịch Campuchia, Myanmar, lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, cùng hơn 100 đại biểu là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình làm du lịch dựa vào cộng đồng tham dự hội thảo.

 

Từ thành công thực tế

Tại hội thảo, ông Dananjaya Axioma - Giám đốc AJC cho biết: Những năm gần đây, du lịch dựa vào cộng đồng ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Việc phát triển loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng sản phẩm du lịch mà còn phát huy thế mạnh văn hóa bản địa, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình làm du lịch cộng đồng của Việt Nam trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia của Nhật Bản. Thành công của du lịch dựa vào cộng đồng của Nhật Bản sẽ là những gợi mở cho Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng du lịch dựa vào cộng đồng.

Nhìn nhận từ thực tế, tại Việt Nam, du lịch dựa vào cộng đồng đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước và đã góp phần bảo tồn văn hóa, cải thiện sinh kế, tạo thu nhập cho người dân địa phương góp phần gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, loại hình du lịch dựa vào cộng đồng ở nước ta vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản. Điều này có nghĩa, người dân làm du lịch thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế về khả năng ngoại ngữ để giới thiệu những nét đẹp văn hóa của địa phương cho du khách...

Chia sẻ về thành công bước đầu của dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” tại H. Nam Giang (Quảng Nam), bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện Tổ chức cứu trợ và phát triển quốc tế tại Việt Nam (FIRD) cho biết: Tháng 4-2012, FIRD đã triển khai dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” tại xã Ta Bhing (tỉnh Quảng Nam) và đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ môi trường, văn hóa và thay đổi chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Đến Ta Bhing, du khách có dịp tìm hiểu và trải nghiệm đời sống văn hóa của dân tộc Cơ Tu như thăm nhà truyền thống H. Nam Giang, tham gia biểu diễn văn nghệ cùng người dân tộc bản địa, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các nghề dệt thổ cẩm, đan truyền thống… Qua 3 năm, dự án đã đón hơn 500 lượt khách, chủ yếu là khách Nhật và các nước Châu Âu. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2016.

 

Chúng ta phải làm gì?

Từ thực tế tại Việt Nam, để nâng cao chất lượng loại hình du lịch dựa vào cộng đồng tại các địa phương, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết: Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư kinh phí để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Đầu tư phát triển và quảng bá các điểm đến trên cơ sở phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

Cũng theo ông Cường, để nhân rộng mô hình phát triển du lịch cộng đồng, Quảng Nam nên liên kết với các địa phương trong khu vực nhằm kết nối thị trường cho các sản phẩm du lịch của địa phương, từ đó tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững.

Trong khi đó, theo bà Mami Yoda, chuyên gia đến từ Nhật Bản chia sẻ: Ngành Du lịch Việt Nam nên xây dựng trang web để giới thiệu về chất lượng, hình ảnh và các hoạt động của các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường quảng bá loại hình du lịch dựa vào cộng đồng trên các báo, tạp chí, truyền hình để thu hút khách du lịch trong nước. Ngoài ra, có thể giới thiệu các homestay qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo... Bà Mami Yoda nhấn mạnh, các cấp có thẩm quyền cần chú trọng đến việc hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các gia đình đủ năng lực triển khai loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, nhất là gia đình tại các vùng sâu, vùng xa, gia đình dân tộc thiểu số.

Về điều này, ông Dananjaya Axioma - Giám đốc AJC cam kết, thời gian tới, AJC sẽ hỗ trợ tối đa về kinh phí, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường giao lưu hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực tại các nước Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam trong việc phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng của nhân dân.

Phát triển sản phẩm và phục vụ khách du lịch cộng đồng đang là một hướng mở cho ngành Du lịch Việt Nam và thực tế cho thấy đây là hướng đi đúng. Vấn đề lớn nhất là không chỉ ngành Du lịch mà cần có sự vào cuộc của nhiều ngành khác để chúng ta có thể nâng cao năng lực phát triển sản phẩm và phục vụ khách du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

P.V

Nhờ có dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” mà nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và phát triển. Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (Quảng Nam) ngày khai trương. Ảnh: TCDL