Du lịch phượt-trào lưu mới hay phong trào "a dua"?

Thứ hai, 29/06/2020 16:45

"Phượt" thực chất đã trở thành một hình thức du lịch không xa lạ với giới trẻ. Đi"phượt" (du lịch "bụi") đang trở thành một trào lưu, nhưng cũng bộc lộ tính chất "a dua" của những người trẻ thích "làm màu" trên mạng xã hội.

Nhiều góc cua ngoặt nguy hiểm và bị khuất tầm nhìn, thách thức mọi tay lái trên đỉnh Bàn Cờ tại bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Phượt, trào lưu và những nguy hiểm rình rập

"Phượt" thời gian gần đây rất phát triển. Trước đây, nó chỉ dành cho những người đam mê nhiếp ảnh hoặc có điều kiện về kinh tế... Nhưng gần đây đã xuất hiện nhiều trong giới học sinh, sinh viên thích khám phá và thể hiện. Là người từng chinh phục những con đường có cảnh đẹp bậc nhất tại Đà Nẵng trong những chuyến đi "phượt" cùng nhóm "phượt" Hoa Quả Sơn, Quốc Khánh (sinh viên năm 3, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư Phạm, ĐH Đà Nẵng) hào hứng cho hay:"Bọn tôi học báo chí, nên cần phải năng động và quan trọng là phải đi nhiều, tìm hiểu nhiều, rèn luyện chụp ảnh, quay phim... nên cũng hay có nhiều chuyến "phượt" để có dịp trau dồi tay nghề. Tùy thời gian học mà có lúc rảnh rỗi là sắp xếp đi, có thể là vài ngày về quê nhà bạn, hay là cắm trại trên đỉnh núi...".

Đi "phượt", sinh viên sẽ có điều kiện tìm hiểu, học hỏi được những kiến thức thực tế về những vùng đất mới, những con người mới, hiểu biết thêm về các phong tục tập quán của các vùng miền, những thứ chỉ được biết qua sách vở, tranh ảnh, internet... Và, sau mỗi chuyến đi, sẽ để lại rất nhiều kỷ niệm, cảm xúc với quê hương, đất nước.

Nói về chuyện đi "phượt", chị Nguyễn Thị Ánh (23 tuổi) chia sẻ: "Chuyến du lịch "bụi" đầu tiên của tôi là lên trên vùng sâu, vùng xa thuộc H. Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Ở đó phong cảnh hùng vĩ lắm, con người cũng có nhiều phong tục lạ. Tôi rất ấn tượng với tục cưới hỏi của người Bru-Vân Kiều, nhà trai trao cho nhà gái một thanh kiếm. Cô dâu khi về nhà chồng thường trải qua nhiều nghi lễ phức tạp như bắc bếp, rửa chân... Sau những chuyến đi "phượt", tôi được biết thêm nhiều điều mới lạ mà tôi chưa hề được biết".

Song song với "phượt", một nhóm các bạn trẻ đã kết hợp làm từ thiện, quyên góp sách vở cũ, quần áo... cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại những vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Như vậy, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân thì đó còn là một hành động mang tính cộng đồng. Chia sẻ không làm họ nghèo đi, mà ngược lại, làm giàu hơn kiến thức và cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày và trong từng chuyến đi.

Những địa điểm nổi tiếng gần Đà Nẵng gần đây như đỉnh Bàn Cờ (Sơn Trà, Đà Nẵng), đồi chè Đông Giang (Quảng Nam), đèo Hải Vân... là những điểm đến "hot" của dân "phượt" trẻ. Tuy nhiên, nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn các "phượt thủ" bởi địa hình hiểm trở với những góc cua, thời tiết thất thường thách thức mọi tay lái. Gần đây, cộng đồng "phượt" sinh viên Đà Nẵng đã rất đau lòng trước thông tin nữ sinh viên Trường Y tế TP Đà Nẵng H.T.K.O (22 tuổi) đã bị xe tải cán chết trong lúc "phượt" cùng bạn từ Phú Yên ra Đà Nẵng vào chiều ngày 28-8-2017 hay vụ một sinh viên cùng nhóm bạn "phượt" bằng xe máy lên núi Sơn Trà (Đà Nẵng) ngày 24-9-2017... Trước đó, nhiều trường hợp sinh viên gặp tai nạn, thậm chí mất tích trong những chuyến "phượt" đã xảy ra.

Mỗi thành viên khi tham gia "phượt" phải có sức khỏe, có sự chuẩn bị chu đáo từ đồ ăn, nước uống, thuốc men, phương tiện và có kế hoạch cụ thể để lường trước những khó khăn. Theo kinh nghiệm của nhiều "phượt thủ" Đà Nẵng, "phượt" lên Sơn Trà hay là đèo Hải Vân rất dễ gặp nguy hiểm, nhất là đi lúc trời tối, có những đoạn cua gấp, sương mù... làm hạn chế tầm nhìn. Đó là chưa kể nhiều lúc xe hỏng giữa núi, giữa rừng.

"Phượt thủ phong trào"

Có quá nhiều lý do biến một hoạt động tích cực như du lịch "bụi" trở thành một xu hướng của đám đông. Ở một góc độ nào đó thì "phượt" đúng là một xu hướng như vậy. Và ở một bộ phận giới trẻ bây giờ đang "phượt" theo phong trào. Một số  bạn trẻ gần như chỉ biết "xách balo lên và đi" mà không hề chuẩn bị cho mình bất cứ một kỹ năng sinh tồn nào, đi cho vui, cho có cái để check in làm "màu" khoe với bạn bè.

Chính sự tung hê quá mức của cộng đồng mạng cùng trào lưu "xê dịch" trong giới trẻ, đã khiến nhiều bạn trẻ có những nhận thức sai lệch đối với du lịch "bụi". "Phượt" với mục đích ban đầu của nó là đi để khám phá, để cháy hết mình với tuổi trẻ, giờ đã trở thành phương tiện để đánh bóng trang cá nhân, để "khoe mẽ" và "làm màu" cho thiên hạ thấy rằng ta đây đang bắt kịp xu hướng.

"Phượt thủ" chuyên nghiệp Lê Đình Dân  (25 tuổi) chiêm nghiệm: "Rất nguy hiểm nếu du lịch  "bụi" trở thành một xu hướng "a dua" trong giới trẻ. Hầu hết dân "phượt" đều đi rất ít xe, không đi theo đoàn với số lượng đông và "phượt thủ" có sẵn trong mình chút trải nghiệm, chút năng nổ, chút "điên", và rất nhiều "máu liều". Tuy nhiên rất khó nói đối với một số bạn trẻ thích thể hiện, thiếu kinh nghiệm, chỉ biết đi theo số đông, kỹ năng không có, nhưng "máu liều" thì luôn vượt ngưỡng cho phép thì việc "phượt" theo bản năng lúc này lại trở thành một mối nguy lớn đối với các bạn thiếu kỹ năng và sự từng trải.  Nếu các bạn chỉ biết đi để có tấm ảnh "check in" không những đã làm mất đi vẻ đẹp và ý nghĩa tích cực của du lịch "bụi" mà còn khiến các bạn rơi vào nguy hiểm, thậm chí mất mạng".

Bản chất của "phượt" chưa bao giờ là xấu nếu như nó không bị tác động bởi các yếu tố và mục đích xấu. Các bạn trẻ yêu thích "phượt" nên ý thức được, trên mỗi chuyến hành trình của mình không chỉ có các bạn, mà còn có cả gia đình, cả con mắt của xã hội. Rất nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra trên cung đường lẽ ra là để các bạn trở về trong một sự trưởng thành hơn. Rất nhiều những phán xét của xã hội dành cho giới "phượt thủ" mỗi khi có "biến" xảy ra. Vì thế hãy chỉ lên xe và "phượt" trong tâm thế của một người khám phá chứ đừng biến trào lưu này thành một phong trào "a dua".

Hoài Sơn