Du lịch Quảng Nam: Liên kết các điểm đến
Xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa luôn đặt ra vấn đề liên kết các điểm đến du lịch, đây là hướng đi tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng đưa ngành du lịch phát triển. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam luôn tập trung hướng phát triển liên kết các điểm đến để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến tham quan và trải nghiệm...
Bãi đá Lò Thung. |
Xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở rộng thêm không gian du lịch và liên kết các điểm đến trên địa bàn... là những mục tiêu trọng yếu của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam. Với tiềm năng du lịch có hai Di sản Văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm và những làng nghề, danh thắng lịch sử văn hóa... Quảng Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách ở miền Trung. Thời gian qua, bên cạnh việc quảng bá xúc tiến nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, ngành du lịch Quảng Nam đã tăng cường công tác liên kết các điểm đến du lịch. Đây là chủ trương gắn với định hướng và việc áp dụng linh hoạt Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Ngoài 3 điểm đến quen thuộc là Hội An, Mỹ Sơn, Cù lao Chàm, du lịch phía Tây Nam và miền núi đã được chú trọng xây dựng, liên kết và dần định hình, bước đầu thu hút lượng du khách đến tham quan... Các điểm du lịch phía Nam như: Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Phú Ninh, xã đảo Tam Hải, biển Tam Thanh gắn với Làng bích họa Tam Thanh... đã thu hút nhiều du khách. Ở vùng miền núi phía Tây xứ Quảng, các điểm đến khác tại ba huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang đã phát triển thêm những sản phẩm du lịch mới để lại nhiều ấn tượng khó quên từ những trải nghiệm thú vị cùng những nét văn hóa Cơ Tu đặc sắc và khám phá thiên nhiên núi rừng, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại... Đây cũng là lý do để ngành du lịch liên kết các điểm đến trong hành trình khám phá của du khách.
Thời gian qua, hồ Phú Ninh là khu du lịch trọng điểm phía Nam của tỉnh Quảng Nam thu hút nhiều du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Cty Du lịch Hùng Cường đã thành công trong việc kết nối với các thị trường du lịch lớn như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Hội An... Ông Huỳnh Tấn Quốc- Phó Tổng giám đốc Cty này cho biết: "Nhờ đẩy mạnh việc kết nối các điểm đến du lịch khác như Hội An, Mỹ Sơn, Núi Thành nên từ giữa tháng 6-2019, Cty đã ký kết hợp đồng bắt đầu đón lượng lớn khách nghỉ dưỡng đến từ Hàn Quốc với khoảng 1.000 khách và lưu trú tại 300 phòng khách sạn tại đây". Điều đó khẳng định bức tranh du lịch phía Nam thêm một bước phát triển mới, góp phần tạo nên điểm nhấn hồ Phú Ninh để kết nối với các điểm du lịch khác tại Tam Kỳ như Địa đạo Kỳ Anh, bãi biển Tam Thanh..., mở ra cơ hội thúc đẩy hoạt động du lịch rộng hơn tại các địa phương Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc- Nam Trà My cùng phát triển. Bên cạnh đó, tại điểm đến Mỹ Sơn, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp để kết nối với các điểm du lịch phụ cận như làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, Làng du lịch sinh thái Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng, đèo Le... Tại khu vực thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H. Duy Xuyên), Cty TNHH Dịch vụ Du lịch Minh Phan vừa đưa vào sử dụng khách sạn "MySon Heritage Resort and Spa" tiêu chuẩn 4 sao với tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng. Đây là cơ sở lưu trú chất lượng cao sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan Mỹ Sơn. Ngoài phát huy giá trị văn hóa Mỹ Sơn, cơ sở lưu trú này sẽ tạo điều kiện để du khách tham quan các điểm du lịch tại huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc. Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay: "Xu hướng liên kết các điểm đến du lịch của Quảng Nam trước mắt là kết nối trong địa bàn tỉnh để tạo thành sức mạnh nội lực và hướng đến liên kết vùng miền để phát triển du lịch nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch đáp ứng ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế".
Du khách quốc tế tham quan làng Bhơ Hôồng. |
Thực tế, trong hơn 10 năm qua, ngành du lịch Quảng Nam đã triển khai liên kết hợp tác phát triển với các địa phương như TT- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Lâm Đồng... Đặc biệt, ngành du lịch Quảng Nam, TT- Huế, Đà Nẵng đã ký kết nhiều biên bản hợp tác liên kết các điểm đến thông qua việc xây dựng chiến lược với nhiều chương trình như "Đà Nẵng biển gọi", "Hành trình Di sản" - Quảng Nam, "Lăng cô huyền thoại biển" TT- Huế, "Ba địa phương - một điểm đến"... Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh đến các thị trường như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nam Bộ; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch ITE-HCM, Hội chợ JATA và chương trình giới thiệu du lịch 3 địa phương tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Từ năm 2016, các điểm du lịch trọng tâm của tỉnh là Hội An, Cù lao Chàm, Mỹ Sơn đã tiến đến việc liên kết với quốc tế như với các thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu để tạo ra sự trao đổi giữa các thị trường khách. Hiệu quả công tác liên kết các điểm đến du lịch từ trong tỉnh, vươn ra các địa phương khác trong và ngoài nước đã từng bước định vị được thương hiệu du lịch, tạo ra điểm đến với sản phẩm đa dạng, chất lượng, góp phần vào sự tăng trưởng du khách qua từng năm.
Hiện nay, ngành du lịch Quảng Nam chủ trương xây dựng chương trình kết nối các điểm du lịch như Hội An, ven biển Điện Bàn, Mỹ Sơn, Tam Hải..., kết nối Hội An- Mỹ Sơn với địa đạo Kỳ Anh, hồ Phú Ninh, Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, bãi đá Lò Thung... để hình thành các tour du lịch khai thác loại hình du lịch di sản, du lịch sinh thái biển- đảo và du lịch cộng đồng. Đồng thời, phát huy giá trị và bảo tồn khu sinh quyển Cù lao Chàm kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; đầu tư nâng giá trị cảnh quan và sự hấp dẫn của các phong cảnh, bãi tắm, các điểm du lịch như biển Bình Minh, Tam Thanh, biển Rạng, hố Giang Thơm...
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn và phấn đấu đến năm 2020 đón 8 triệu lượt khách du lịch, thu nhập từ du lịch đạt 15.500 tỷ đồng, giá trị du lịch đạt từ 10% - 12% trong tổng GRDP toàn tỉnh thì việc liên kết các điểm đến du lịch sẽ góp phần rất lớn vào mục tiêu này.
THẢO NGUYÊN