Du lịch Thái Lan chật vật vì biểu tình
(Cadn.com.vn) - Bất ổn chính trị liệu có khiến thiên đường du lịch Thái Lan mất đi hình ảnh lung linh?
Chính trường Thái Lan vẫn đang rối ren, phủ đám mây đen u ám lên ngành du lịch nước nhà.
Trong động thái nhượng bộ mới nhất, ngày 25-12, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đề xuất thành lập Hội đồng cải cách quốc gia nhằm tìm kiếm giải pháp thoát khỏi tình trạng rối ren chính trị đang chia rẽ đất nước, mở đường “máu” cho ngành công nghiệp không khói của nước nhà trong dịp Tết 2014.
Theo bà Yingluck, Hội đồng này không phải một cơ quan của chính phủ và thành phần hội đồng sẽ do một ủy ban độc lập chỉ định. Hội đồng có nhiệm vụ sửa đổi hiến pháp, giải quyết vấn nạn tham nhũng, chính trị tiền bạc và đảm bảo cải cách bầu cử. Tuy nhiên, xem ra cam kết hòa giải của nữ Thủ tướng vẫn không được phe biểu tình, vốn quyết tâm lật đổ chính phủ và ngăn cản cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2-2-2014, chấp nhận.
Người biểu tình chặn lối vào một cơ sở tập thể dục thẩm mỹ hôm 25-12, ngăn cản các ứng cử viên đăng ký tranh cử. Ảnh: Reuters |
“Anh hùng” cứu nước?
Bất ổn chính trị đang đè nặng lên quốc gia được mệnh danh là thiên đường du lịch của Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: “Liệu ngành du lịch có còn là anh hùng cứu nước tại thời điểm nền kinh tế quốc gia đang đối mặt với suy thoái?
Bộ trưởng Tài chính tạm quyền Kittiratt Na-Ranong thừa nhận, du lịch Thái Lan là ngành công nghiệp quan trọng và là động lực chính của nền kinh tế. Hiện nay, doanh thu du lịch chiếm hơn 10% GDP. Tuy nhiên, giờ đây, các cuộc biểu tình kéo dài đang hủy hoại hình ảnh của quốc gia Chùa Vàng. Charoen Wangananont, Tổng Thư ký Hiệp hội các Đại lý du lịch Thái Lan (ATTA), cho rằng, du lịch chỉ có thể đóng vai trò của anh hùng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, tất cả các bên phải làm việc chặt chẽ hơn để ổn định ngành công nghiệp không khói này, đặc biệt là chính phủ cần có chính sách phù hợp.
Yếu tố quan trọng là môi trường và an toàn cho du khách.
Mục tiêu 2014
Bối cảnh chính trị hiện nay cho thấy, xung đột có thể kéo dài sang những ngày đầu năm mới 2014. “Nếu không thể giải bài toán biểu tình, ngành công nghiệp sẽ bị nhấn chìm trong quý đầu tiên. Du khách sẽ thay đổi kế hoạch du lịch đến Thái Lan”, Asiaone dẫn lời Tiến sĩ Ronnachit Mahattanaphreut, cho biết.
Tuy nhiên, triển vọng du lịch dài hạn vẫn tốt. Năm 2015, doanh thu du lịch dự kiến sẽ đạt 2.200 tỷ baht (67 tỷ USD), tăng từ 1.200 tỷ baht (36,6 tỷ USD) trong năm nay, phần lớn nhờ vào vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa đa dạng và con người thân thiện. Mặc dù căng thẳng chính trị, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo, doanh thu du lịch trong năm 2014 sẽ không thay đổi, với 28 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan, tăng 7,28 % so với năm 2013.
Thái Lan tin vào nền tảng vững chắc trong hơn một thập kỷ phát triển của ngành du lịch bất chấp nhiều biến đổi chính trị. Và năm 2014 sẽ không có ngoại lệ, miễn là không xảy ra bạo lực hay phong tỏa các sân bay như đã xảy ra vài năm trước đây. Các thị trường lớn của Thái Lan gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Piyaman Tejapaibul, Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan, cho rằng, ngành công nghiệp du lịch nên lạc quan vì đó sẽ vẫn là động lực chính của nền kinh tế. Ông đồng ý rằng, cho đến nay, cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ có một tác động nhẹ. Giới phân tích cho rằng, điều Thái Lan cần làm trong năm 2014 là khôi phục lòng tin của du khách và hình ảnh đất nước trước bất kỳ công cuộc chuyển giao quyền lực nào.
Khả Anh