Du lịch thượng nguồn sông Cu Đê: Đánh thức “công chúa ngủ trong rừng”!

Thứ sáu, 04/12/2015 11:13

(Cadn.com.vn) - Cách đây khoảng 10 năm, khu vực thượng nguồn sông Cu Đê, thuộc địa bàn xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từng có một dự án du lịch đầy tham vọng. Rất tiếc, sau khi đã chi ra nhiều tỷ đồng, dự án... thất bại! Sự thất bại của dự án trên có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không phải do khu vực này kém tiềm năng; nó thất bại từ yếu tố cơ chế và con người. Thế nhưng, dường như nó trở thành nỗi ám ảnh tất cả những ý tưởng khai thác tiềm năng du lịch ở Hòa Bắc.

Đến nay, hầu như không có bất kỳ một dự án du lịch nào khác, dù cho một cách tự phát, hàng nghìn lượt du khách cả “ta” lẫn “Tây” vẫn theo đường “tiểu ngạch” tìm đến nơi này mỗi năm. Ví như “công chúa ngủ trong rừng”, tiềm năng du lịch thượng nguồn sông Cu Đê vẫn âm thầm và kiên nhẫn chờ hoàng tử đánh thức!

Không có đơn vị tổ chức tour, hàng nghìn lượt du khách tự phát du lịch tại thượng nguồn sông Cu Đê mỗi năm.

Thêm ý tưởng mới

Và, có vẻ như, nay đã có một “hoàng tử” đã sẵn sàng khởi hành cho nhiệm vụ thú vị này. Đó chính là nhóm đề xuất ý tưởng thực hiện dự án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” do Hội Nông dân H. Hòa Vang đứng tên, với sự hợp tác tích cực của Tiến sĩ Hoàng Văn Long (Viện nghiên cứu phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng, DISED).  

Tiến sĩ Hoàng Văn Long cho biết: Hòa Bắc là khu vực có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Việt Nam. Tuy nhiên, dưới các áp lực trong công tác bảo vệ, bảo tồn ĐDSH tại khu vực vùng đệm trên địa bàn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cộng đồng địa phương đa số là nghèo và có sinh kế không bền vững. Sinh kế chính của họ là làm nông và khai thác các sản phẩm từ rừng. Tình trạng đói nghèo của cộng đồng người dân tộc thiểu số này vẫn còn phổ biến, họ phải đối mặt với việc thiếu lương thực từ năm này sang năm khác và thường xuyên phải được sự trợ cấp, giúp đỡ từ Nhà nước và các nhà hảo tâm.

Thêm vào đó, nhận thức còn hạn chế về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, xem rừng là một ưu đãi của thiên nhiên nên việc khai thác rừng quá mức để giải quyết kế sinh nhai là một điều khó tránh khỏi... Rõ ràng, chúng ta cần giải pháp mang tầm chiến lược lâu dài để bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH đối với xã và lồng ghép, thực hiện song song các hoạt động giáo dục bảo tồn, tạo sinh kế bền vững ngoài nông nghiệp cho cộng đồng người dân nơi đây... Do đó, việc thực hiện dự án là cần thiết.

Tiến sĩ Hoàng Văn Long hy vọng, dự án sẽ tạo ra sinh kế mới bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, ngăn chặn việc phá rừng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; nâng cao vai trò của cộng đồng và gắn kết sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn ĐDSH, phát huy truyền thống văn hóa, các thuần phong mỹ tục với với việc tạo ra sinh kế mới; góp phần bảo tồn ĐDSH tại khu vực vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã.

 Nhóm của Tiến sĩ Hoàng Văn Long khảo sát thực tế tại thôn Giàn Bí.
* Xã Hòa Bắc cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km, được xem là vùng đệm nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) là Vườn Quốc gia Bạch Mã và KBTTN Bà Nà – Núi Chúa. Nơi đây có 250 hộ/gần 900 khẩu đồng bào Cơ Tu sinh sống. Diện tích rừng hiện có là 33.000ha. Mức độ ĐDSH của khu vực này được kết hợp cả 2 KBTTN với nhau. Trong đó, Vườn Quốc gia Bạch Mã có 2.147 loài thực vật (chiếm khoảng 1/5 tổng số loài thực vật ở Việt Nam), có 86 loài được liệt kê vào Sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng, có hơn 500 loài có tiềm năng thương mại và được sử dụng làm cây thuốc; KBTTN Bà Nà – Núi Chúa với diện tích tự nhiên hơn 8.830 ha, hệ thực vật đa dạng và độc đáo với khoảng 136 họ, 379 chi và hơn 793 loài (có 251 loài cây thuốc) và hệ động vật có 272 loài có xương sống, 25 loài thú quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Vận động GEF

Để thực hiện dự án, nhóm của Tiến sĩ Hoàng Văn Long đưa ra một số mục tiêu chính, như nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương, người dân và du khách về du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và bảo tồn ĐDSH bằng cách tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm, phát hành các tờ rơi, tổ chức các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm các địa phương có điều kiện và cách làm tương tự (H. Nam Đông, Thừa Thiên – Huế và H. Đông Giang, Quảng Nam).

Nhóm cũng sẽ tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch sinh thái, như cho thuê nhà trọ hoặc ở chung với nhà dân, lập các nhà nghỉ bình dân dưới sự điều hành chung của cộng đồng hoặc có đóng góp cho cộng đồng, thu hút người dân vào làm việc trong ngành Du lịch như làm hướng dẫn viên, lễ tân, nấu ăn, sản xuất hàng hóa và bán hàng lưu niệm trực tiếp cho du khách...

Về các công việc cụ thể, nhóm của Tiến sĩ Hoàng Văn Long đề xuất: Xây dựng, phát triển và đưa vào hoạt động 2 mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Tà Lang và Giàn Bí; 2 ban quản lý cộng đồng có vai trò giám sát và xúc tiến vận hành mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên tại địa phương; 5 nhóm dịch vụ du lịch từ cộng đồng (gồm Nhóm hướng dẫn, Nhóm ẩm thực, Nhóm bảo vệ Tài nguyên và bảo tồn, Nhóm văn nghệ, Nhóm thủ công mỹ nghệ).

Những ý tưởng của Hội Nông dân H. Hòa Vang với sự tư vấn của DISED trực tiếp là Tiến sĩ Hoàng Văn Long, đến nay đã thu hút sự chú ý của một số cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Tiến sĩ long cho biết: “Chúng tôi hiện đã nhận được phản hồi tích cực của Sở NN&PTNT, Sở VH-TT&DL, chính quyền H. Hòa Vang, chính quyền xã Hòa Bắc, khoa Sinh Môi trường (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) và các công ty du lịch lữ hành như: Vitours, Hoi An Active Adventure... Hiện chúng tôi đang kêu gọi sự ủng hộ và tài trợ của hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) để thực hiện dự án”.

So với dự án thất bại mấy năm trước, dự án của Hội Nông dân H. Hòa Vang và DISED đang kêu gọi GEF tài trợ chọn cách tiếp cận hoàn toàn khác; thay vì “đầu tư – khai thác” như trước, nhóm của Tiến sĩ Hoàng Văn Long lại bắt đầu từ việc hỗ trợ, hợp tác với cư dân địa phương. Chính điều này không những khiến kinh phí đầu tư giảm đáng kể mà còn có hy vọng về một sự phát triển bền vững. Tiến sĩ Hoàng Văn Long kỳ vọng, với cách tiếp cận mới này, nhóm thực hiện dự án có thể làm được điều hữu ích cho cư dân và hệ sinh thái quý hiếm thượng nguồn sông Cu Đê.

Nguyễn Lê