Chùa Cầu "khoác áo mới":

Dư luận tranh cãi trái chiều, các ngành chức năng nói gì?

Thứ ba, 30/07/2024 09:00

Sau gần 2 năm trùng tu, di tích Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) lộ diện với diện mạo “tươi sáng” hơn so với trước. Cũng từ đó, nhiều ý kiến trái chiều thể hiện sự chê bai gay gắt, cho rằng sau trùng tu, Chùa Cầu - một di sản có tuổi đời 400 năm đã bị “trẻ hóa”; và rằng, việc trùng tu đã phá hỏng một biểu tượng của Hội An… Trước những ý kiến trái chiều này, các ngành chức năng nói gì?

Hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu.
Hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu.

Cấp thiết phải trùng tu

Di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại. Qua nhiều tư liệu cho biết, từ khi xây dựng đến cuối thế kỷ XX, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trong các năm gần đây nhất vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích. Vì vậy, vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết.

Sau nhiều năm, với sự chuẩn bị dự án kỹ lưỡng và trách nhiệm, ngày 28-12-2022, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án) thông tin, việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu - chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức cũng như kỹ thuật thi công tu bổ di tích.

“Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể; cố gắng giữ lại tối đa có thể những thành phần còn tốt, sử dụng kỹ thuật thi công truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại để gia cố, gia cường sự chắc chắn nhằm tận dụng lắp dựng lại… Bên cạnh đó, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện. Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng. Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết”- ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ.

Nhiều luồng ý kiến

Thế nhưng, chính việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí phần mái đã khiến nhiều người phản ứng, cho rằng Chùa Cầu đã bị trẻ hóa, mất đi vẻ cổ kính vốn có. Cụ thể một số ý kiến như: “Nhìn Chùa Cầu với lớp sơn mới đậm màu hơn khiến tôi có cảm giác nó hiện đại chứ không cổ kính”; hoặc “Chùa Cầu sau khi trùng tu có phần xa lạ so với trước đây, bởi nước sơn mới, đậm màu, nổi bật khiến tôi cảm giác không còn vẻ cổ kính của một di tích hơn 400 năm tuổi”;…

Trước những ý kiến trên, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao vàDu lịch) cho rằng, việc tu bổ Chùa Cầu được Bộ VH-TT&DL thẩm định trước khi triển khai thực hiện. Trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế và triển khai trùng tu, Cục Di sản văn hóa đều tham gia vào các phương án điều chỉnh, cũng như tổ chức hội nghị, hội thảo và những vấn đề liên quan đến di tích. “Dự án tu bổ Chùa Cầu được triển khai cách đây khoảng 7-8 năm, nhưng di tích được trùng tu bắt đầu khoảng 2 năm trở lại đây. Màu sắc, kiến trúc được các cấp bộ, ngành đề xuất, quyết định. Tôi đã nhìn thấy hình ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu, thì thấy đảm bảo yêu cầu với hồ sơ của Bộ và Cục Di sản văn hóa thẩm định. Đây công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt ở đô thị cổ Hội An nên việc trùng tu sẽ phải theo Luật Di sản văn hóa” - ông Thành nói.

Về phía chính quyền, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sau khi có ý kiến trái chiều từ dư luận, chính quyền Hội An đã đến hiện trường xem xét lại. “Đồng ý với những ý kiến thấu đáo, rất có thiện chí từ người dân. Dù quá trình trùng tu đã rất trung thành với nguyên bản, song màu mới của sơn vôi đúng là hơi sáng chói, lệch khá xa với màu cũ của công trình. Với chất liệu vôi, chỉ sau vài mùa mưa thì màu rêu cũ sẽ trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, ngay lúc này, màu sáng mới của vôi hơi đậm, gây phản cảm với hình ảnh rêu phong, cũ kỹ màu thời gian của phố cổ. Đây là ý kiến đóng góp chính đáng. Chúng tôi sẽ cho sơn lại, sát với màu cũ của công trình” - ông Sơn nói.

Lê Hải

Năm 2024, đánh dấu kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Nhân sự kiện này, TP Hội An sẽ tổ chức Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu - một công trình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và sự giao lưu quốc tế ở đô thị thương cảng Hội An. Lễ khánh thành Chùa Cầu dự kiến được tổ chức vào chiều 3-8.