Dự thảo Quy chế Tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2022 có nhiều điểm mới đáng quan tâm

Thứ hai, 18/04/2022 08:17
Dự thảo Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến có một số điểm mới so với Quy chế tuyển sinh các năm trước.

Điểm mới đầu tiên của Dự thảo là sự thay đổi quy định về thời gian đăng ký xét tuyển (đợt 1). Nếu các năm trước, thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 vào đại học cùng thời điểm đăng ký thi tốt nghiệp THPT và được điều chỉnh sau khi biết điểm thi thì năm nay, thí sinh đăng ký sau khi đã thi tốt nghiệp và kết thúc việc đăng ký này sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.

Điểm mới thứ hai liên quan đến điểm ưu tiên khu vực. Theo đó, dù Bộ dự kiến giữ nguyên mức điểm ưu tiên khu vực: khu vực 1 (KV1): 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT): 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2): 0,25 điểm, nhưng năm nay chỉ áp dụng điểm ưu tiên này đối với thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) năm 2022, không áp dụng đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước đó (thí sinh tự do) như trước đây. Đây là điểm thi hẹp hơn so với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, điểm mới này tạo công bằng giữa thí sinh thi năm đầu và thí sinh tự do. Một điểm mới không kém phần quan trọng nữa là, dù các nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức nào thì đều cùng một hệ thống. Việc sắp xếp nguyện vọng sẽ theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng thứ nhất đến nguyện vọng thứ n, không giới hạn số lượng nguyện vọng mà thí sinh mong muốn đăng ký. Sau đó hệ thống sẽ lọc ảo chung. Đặc biệt, dự thảo quy chế mới (khoản 4, điều 21) cho phép thí sinh đã trúng tuyển vẫn được xét tuyển vào trường khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, miễn là được cơ sở đào tạo đó cho phép.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2022 cũng quy định thí sinh không xác nhận nhập học sớm; thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia); với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, Bộ yêu cầu các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển.

Đối với các ĐH, các trường đại học tự chủ được tổ chức xét tuyển riêng. Sau khi lấy ý kiến (kết thúc vào ngày 31-5), Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2022 trong tháng 6.

Khánh Yên (tổng hợp)