Du xuân gặp “PHÚC”
Đó là chữ “Phúc” được khắc trên bia tưởng niệm cụ Nguyễn Quỳnh (ông nội của Đại thi hào Nguyễn Du) được đặt tại Khu lưu niệm Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, H. Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Điều đặc biệt là chữ do chính cụ Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) khắc bằng bút tích của mình và hiện là bản nguyên gốc.
Bia tưởng niệm cụ Nguyễn Quỳnh khắc chữ “Phúc” được xem là đẹp nhất Việt Nam. |
Theo sử sách để lại, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền là dòng họ nổi tiếng “Trâm anh thế phiệt”. Thuyết minh tại Khu lưu niệm Nguyễn Du Nguyễn Thị Quyên cho biết: Ông nội của Nguyễn Du là cụ Nguyễn Quỳnh có 5 vợ và 10 người con, trong đó có 6 con trai và 4 con gái. Trong 6 con trai thì có 3 người đỗ đạt cao là Nguyễn Huệ (bác của Nguyễn Du) đỗ tiến sĩ năm 1732; chú ruột là Nguyễn Trọng đậu cử nhân năm 1733. Bố của Nguyễn Du là cụ Nguyễn Nghiễm, đậu tiến sĩ năm 1731, làm quan thời Vua Lê- Chúa Trịnh, lên tới chức Tể tướng, Đại Tư đồ, tước Xuân Quận công. Chính ông là người đã đưa dòng họ Nguyễn Tiên Điền trở thành một dòng họ danh giá nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII. Thời đó, trong dân gian có câu “Bao giờ ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ này hết quan” để nói về dòng họ này.
Cụ Nguyễn Nghiễm có 8 người vợ và 21 người con, trong đó có 12 con trai, 9 con gái. Nguyễn Du là con thứ 7 của người vợ thứ 3. 12 anh em trai của Nguyễn Du mỗi người đều có thế mạnh về lĩnh vực như: ngoại giao, y học, nghệ thuật... nhưng tất cả đều có điểm chung là giỏi về con đường văn chương. Trong số 5 nhà thơ giỏi nhất thời đó được mệnh danh là “An Nam Ngũ Tuyệt” dòng họ Nguyễn Tiên Điền góp mặt 2 người là Nguyễn Du và Nguyễn Hành (cháu gọi Nguyễn Du là chú), bên cạnh các tên tuổi khác là Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích và Ngô Thời Vị.
Trong Khu lưu niệm, ngoài nhà thờ, nhà trưng bày bảo tàng Nguyễn Du, trong khuôn viên hiện còn đàn tế và bia tưởng niệm cụ Nguyễn Quỳnh, 2 nhà văn thánh, bia Trường Ninh, có 2 cây đại thụ được công nhận là cây di sản có tuổi đời hơn 300 năm. Là người rất giỏi về thơ phú, xem tử vi, thuật phong thủy, cụ Nguyễn Quỳnh “xem” trong 6 người con trai và “chấm” được 3 lá số tử vi rất đẹp, sau này rất đúng với 3 người con đỗ đạt cao là: Nguyễn Nghiễm (bố của Nguyễn Du), Nguyễn Huệ (bác) và Nguyễn Trọng (chú của Nguyễn Du). Khi các con đi làm quan ở các nơi, cụ Nguyễn Quỳnh đã trồng những cây muỗm, cây nóng này để khi các con về thăm nhà có chỗ buộc ngựa. Đàn tế và bia đá tưởng niệm cụ Nguyễn Quỳnh là di tích nguyên gốc duy nhất còn sót lại trong khuôn viên. Hồi ấy, khi cụ Nguyễn Nghiễm lên làm chức Tể tướng được 4 tháng thì cụ đã cùng con cháu xây dựng nên đàn tế và bia đá này. Bia làm từ chất
liệu đá lấy từ Thanh Hóa, gọi là đá Thanh, thợ do cụ Nguyễn Nghiễm thuê từ Thăng Long (Hà Nội) về khắc chữ. Phía trước mặt bia khắc tên và tước hiệu của cụ Nguyễn Quỳnh cùng với người vợ thứ nhất, bên phải có 4 chữ “Đồng ấp phụng tự” (toàn bộ ấp có trách nhiệm thờ phụng bia đá này), bên trái có 4 chữ “Nhâm Ngọ thu lập” (bia được lập vào mùa thu năm Nhâm Ngọ 1762) . Hai bên mặt bia có khắc 2 câu đối bằng chữ Hán “Niệm thời truy nhật nguyệt, truyền ngữ tại giang sơn” (nỗi nhớ vợ theo từng nhật nguyệt, còn giang sơn thì còn truyền tụng). Mặt sau của bia được khắc chữ “Phúc” lớn bằng chữ Hán, thể hiện phúc dày, phúc ấm của cha mẹ để lại cho con cháu ngày sau.
Di tích bia Trường Ninh. |
Đây chính là chữ “Phúc” mà nhiều người cho rằng đẹp nhất Việt Nam hiện nay, do chính cụ Nguyễn Nghiễm khắc bằng bút tích của mình. Hiện nay, Ban quản lý Khu lưu niệm dùng giấy dó dập bia nguyên bản để phục vụ du khách dùng làm tư liệu nghiên cứu hoặc lưu niệm. Trong khuôn viên khu lưu niệm còn có nhà thờ hàn viện thờ Khổng Tử, nơi cầu mong những điều may mắn về con đường học hành thi cử. Ngày xưa ở vùng này có tục lệ những dòng họ nào có con cháu đỗ đạt cao về con đường học hành, thi cử thì nhà văn thánh đặt vào trong khuôn viên dòng họ nhà mình. Trước đây một dòng họ ở xã Xuân Viên, cách đó khoảng 20km được sử dụng nhà này, nhưng đến giai đoạn 3 anh em cụ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Trọng đỗ tiến sĩ thì nhà văn thánh được đưa về đặt trong khuôn viên của dòng họ Nguyễn từ năm 1734 đến bây giờ.
Tại đây, ngày xưa thường tổ chức lễ cầu khoa và lễ đăng khoa. Những văn nhân sĩ tử nào chuẩn bị đi thi thì đến đây làm lễ cầu khoa, sau khi đạt kết quả như mong muốn thì về đây làm lễ đăng khoa. Chỉ những người “áo phượng tán rồng”, đỗ đạt cao mới được bước vào. Cụ Nguyễn Nghiễm có một thời gian làm chức Tế tựu Quốc tử giám Hà (như Hiệu trưởng Trường đại học bây giờ) ở Hà Nội, cụ đã xin phục chế nguyên bản tượng Khổng Tử cùng bức đại tự “Vạn tuế sơn biểu” (người thầy của muôn đời) đưa về đây thờ tự. Sau gần 100 năm, nhận thấy không gian nơi đây quá nhỏ, những văn nhân sĩ tử khi đến đây không có chỗ ngồi để đàm đạo văn chương nên vào năm 1830 đã xây thêm nhà thứ 2 ở phía đối diện để sau khi làm lễ ở nhà văn thánh thì sĩ tử sang nhà đối diện trải chiếu dưới nền nhà ngồi uống trà, uống rượu, đàm đạo văn chương, hát thơ nôm...
Thời chiến tranh, vùng này của Hà Tĩnh bị bom đạn đánh phá nhiều lần, hư hỏng nhiều, các di tích trong khuôn viên Khu lưu niệm đa số được phục chế nhiều lần, chỉ còn đàn tế và bia đá với chữ “Phúc” được coi là đẹp nhất Việt Nam là còn nguyên bản.
MINH HẰNG