Đưa chị dâu và 7 người khác trốn ra nước ngoài trái phép

Thứ năm, 04/03/2021 16:12

Trong lúc đang lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc, Dương Văn Mạnh (1996, trú xã Hưng Lĩnh, H. Hưng Nguyên, Nghệ An) nhận được điện thoại từ người chị dâu đặt vấn đề nhờ đưa sang Trung Quốc làm việc với giá rẻ, Mạnh nhận lời cùng với sự giúp sức của Mã Đình Thực nên đã đưa 8 người sang Trung Quốc trái phép.

Bị cáo Dương Văn Mạnh tại tòa

Dương Văn Mạnh lao động bất hợp pháp cho một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh ở Trung Quốc từ năm 2013. Quá trình đi lại giữa hai nước, Mạnh thường di chuyển bằng đường tiểu ngạch. Tết Nguyên đán năm 2019, Mạnh trở về quê hương đón tết sau đó trở lại Trung Quốc làm việc thì được một người ở Cao Bằng nhận, hướng dẫn đưa trốn qua Trung Quốc bằng cách đi bè qua sông. Trong thời gian này, Mạnh nhận được điện thoại của chị dâu là Lương Thị N. (1994, trú cùng xã) và một số người khác hỏi thủ tục, chi phí đi cũng như công việc, tiền lương khi lao động ở Trung Quốc. Dương Văn Mạnh nhận lời và tư vấn rằng, các lao động không phải chuẩn bị giấy tờ gì, sang làm việc sẽ được bao ăn ở, mức lương tại công ty khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng. Theo tư vấn của Mạnh thì tổng chi phí sang Trung Quốc cho mỗi lao động  rất rẻ là 1.000 NDT (tương đương 3,5 triệu đồng). Ngoài ra, thông qua zalo, Mạnh còn hướng dẫn về cách thức di chuyển để các lao động yên tâm vượt biên trái phép.

Với hình thức như trên, từ khoảng tháng 4 đến 6-2019, Dương Văn Mạnh đã trực tiếp tư vấn, thỏa thuận, hướng dẫn cho 8 người với 4 lượt sang Trung Quốc để lao động bất hợp pháp. Ngoài ra, để việc đưa người trốn đi nước ngoài trót lọt, Mạnh đã được Mã Đình Thực (1985, trú xã Minh Long, H. Hạ Lang, Cao Bằng) tham gia giúp sức. Thực có vai trò đưa những người vượt biên lên bè qua sông ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sau khi tư vấn, hướng dẫn thủ tục, cách thức, lộ trình và đón, sắp xếp việc làm, các lao động sẽ bắt xe ra Hà Nội và tiếp tục bắt xe lên Cao Bằng để nộp tiền và gặp Thực. Tất cả các lao động được Thực đón và đưa sâu vào nội địa Trung Quốc đến địa điểm mà Mạnh đã hẹn trước. Còn Mạnh sau đó đưa những người này đến tại một công ty để nhận việc làm.

Một thời gian sau, do công an Trung Quốc kiểm tra gắt gao nên Mạnh đã chuyển các lao động sang công ty khác. Các lao động này được Mạnh nhờ người Trung Quốc làm cho giấy chứng minh nhân dân giả để tránh sự kiểm tra, phát hiện của công an nước sở tại cho đến khi quay về Việt Nam vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Trong số các lao động do Mạnh đưa sang, có trường hợp do không đến làm việc tại công ty mới mà tiếp tục ở lại công ty cũ nên sau một thời gian bị Công an Trung Quốc bắt giữ do lao động bất hợp pháp. Theo thông tin nắm được hiện người này đã bị trục xuất về Việt Nam.

 Bị cáo Mã Đình Thực

Ngày 2-3, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai bị cáo Dương Văn Mạnh và Mã Đình Thực về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Tại phiên tòa, hai bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khai nhận, vì các lao động gọi điện “nhờ” đưa đi Trung Quốc để kiếm tiền nên đã đồng ý chứ không nghĩ đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo trình bày tại tòa, hầu hết các lao động được Mạnh và Thực đưa sang nước ngoài trái phép đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp nên muốn sang Trung Quốc làm việc kiếm tiền. “Chúng tôi chỉ nghĩ là nhờ anh Mạnh hướng dẫn và đưa sang Trung Quốc để làm việc kiếm tiền, mong cuộc sống khấm khá hơn chứ không nghĩ là đây là hành vi vi phạm pháp luật, không nghĩ anh Mạnh bị ngồi tù. Xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo”, một lao động phát biểu quan điểm tại tòa.

HĐXX nhận định, hành vi của hai bị cáo là vi phạm pháp luật. Vì hám lợi, bị cáo đã tổ chức, hướng dẫn đưa người vượt biên trái phép. Hành vi của các bị cáo là đáng lên án, cần xử lý nghiêm. Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Dương Văn Mạnh 5 năm tù, bị cáo Mã Đình Thực 3 năm tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

DƯƠNG HÓA