Hai người Việt lừa bán đồng hương sang tận Myanmar làm việc cho công ty lừa đảo

Thứ bảy, 29/03/2025 09:35

Trong quá trình làm việc tại Trung Quốc, Phạm Thị Tuyết Chinh được ông chủ trao đổi việc tìm người đưa sang Lào bán sẽ được trả công. Chinh về nước nhờ Vi Văn Nhập tìm người đưa qua nước ngoài làm việc với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”. Cả tin, có 5 nạn nhân đã bị bán sang tận Myanmar làm việc cho các công ty lừa đảo qua mạng.

Bị hại kể về quá trình bị lừa bán sang nước ngoài làm việc cho công ty lừa đảo.
Hai bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh và Vi Văn Nhập tại phiên tòa.

Khoảng tháng 8-2023, Phạm Thị Tuyết Chinh (1988, trú thị trấn Giao Thủy, huyện Giao Thủy, Nam Định) đang làm việc ở Trung Quốc thì được ông chủ đề nghị tìm người đưa sang Lào lao động và hứa sẽ trả công 15 triệu đồng/người. Do quen biết từ trước nên tháng 9-2023, Chinh liên lạc với Vi Văn Nhập (1983, trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) nhờ tìm người đi làm việc cho chủ người Trung Quốc. Yêu cầu của Chinh là tìm người trung niên đổ lại, biết sử dụng máy tính, biết chữ, lương mỗi tháng 20 triệu đồng, có chỗ ăn, ngủ… Nếu tìm được người, Chinh sẽ cho Nhập 10 triệu đồng tiền công.

Sau đó, Vi Văn Nhập đã rủ anh Lương Văn H. (1997, trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu) sang Lào làm “việc nhẹ lương cao” và nếu ai có nhu cầu tìm việc thì rủ đi cùng. Do đó, anh H. đã rủ thêm 2 người bạn là Lương Văn Đ. (1990) và Lữ Thanh L. (1998, đều trú tại xã Châu Thắng) cùng đi.

Bị hại kể về quá trình bị lừa bán sang nước ngoài làm việc cho công ty lừa đảo.

Ngoài ra, Nhập còn điện thoại rủ em trai là Vi Văn L. (1992) khi ấy đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh nói sang Lào làm “việc nhẹ, lương cao”. Người em trai đồng ý và rủ thêm bạn cùng phòng trọ cùng xuất ngoại. Ít ngày sau, theo chỉ đạo của ông chủ Trung Quốc, Nhập đưa 3 người ra Hà Nội chờ sang Lào. Cùng lúc này, em trai của Nhập và người bạn cũng bắt xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chờ xuất ngoại.

Ngày 23-9-2023, Chinh và Nhập dẫn 5 người lên xe do ông chủ Trung Quốc sắp xếp sang Lào. Sau đó, họ được đưa lên khu vực Tam Giác Vàng, làm việc cho một công ty nằm trong lãnh thổ Myanmar.

Sau khi biết mình bị bán vào công ty lừa đảo trên mạng, không được trả lương, đến tháng 1-2024, các lao động đã bỏ trốn. Tuy nhiên, khi trốn đến khu vực biên giới Lào, 5 người tiếp tục bị lừa vào làm việc cho các công ty khác nhau. Ngày 26-1-2024 đến tháng 8-2024, bốn nạn nhân đã trở về Việt Nam, làm đơn tố cáo những kẻ lừa bán mình, còn một nạn nhân đến nay chưa xác định ở đâu, làm gì.

Ngày 27-3, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh và Vi Văn Nhập về tội: “Mua bán người”. Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và thể hiện sự ăn năn hối lỗi về việc làm của mình. Các bị cáo cũng khai nhận do hám lợi nên đã làm theo yêu cầu của ông chủ để nhận tiền công.

Các bị hại cho biết, quá trình trao đổi, Vi Văn Nhập giới thiệu công việc nhẹ nhàng, chỉ đánh máy tính với mức lương 20 triệu đồng, nếu không biết việc sẽ được đào tạo, có chỗ ăn, ngủ thoải mái, cam kết sẽ trả lương, không bóc lột… Cũng trong thời gian làm việc tại đây, các bị hại mới biết mình bị lừa đưa vào làm việc ở công ty lừa đảo qua mạng nên đã tìm cách bỏ trốn.

HĐXX nhận định, trong vụ án này, Phạm Thị Tuyết Chinh là người khởi xướng, tuy nhiên người thực hiện là Vi Văn Nhập nên hai bị cáo có vai trò ngang nhau. Ngoài ra, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Riêng bị cáo Nhập đã ra đầu thú, tác động gia đình khắc phục một khoản tiền cho các bị hại, gia đình có công với cách mạng. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh 9 năm 6 tháng tù, bị cáo Vi Văn Nhập 9 năm tù cùng về tội: “Mua bán người”.

DƯƠNG HÓA

Đôi bạn cùng quê lập mưu “nẫng tay trên” tiền phi pháp của những kẻ lừa đảo

Để có tiền tiêu xài, Đỗ Mạnh Hà (1998) và Lê Quang Khánh (1998, cùng trú huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) tạo tài khoản ngân hàng bán cho các đối tượng lừa đảo. Khi nhận tiền, các đối tượng chặn chiều chuyển tiền đi rồi chiếm đoạt.

Ngăn chặn vụ lừa đảo ‘vali triệu đô’ trên mạng xã hội

Nhẹ dạ, cả tin vì chiêu lừa “gửi vali tiền từ nước ngoài”, một người đàn ông ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn suýt mất 20 triệu đồng thông qua chiêu bẫy qua không gian mạng.

Đưa 3 thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số bị lừa sang Campuchia trở về gia đình an toàn

Là 1 trong 3 thanh niên người đồng bào dântộc thiểu số cùng trú xã xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) bị bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, chiều 23-3, anh A Nhanh (2006, thôn Ba Ham, xã Đăk Na) được Công an xã Đăk Na và chính quyền địa phương phối hợp đưa từ Thái Lan về địa phương an toàn.