Đưa Gia Lai trở thành vùng động lực của khu vực Bắc Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Ngày 18-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tổng lãnh sự, Tham tán kinh tế các nước Nga, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Lào và đại diện gần 400 doanh nghiệp (DN) đến từ các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
V ới chủ đề “Gia Lai –Tiềm năng – Hợp tác –phát triển”, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 của tỉnh Gia Lai nhằm tuyên truyền, giới thiệu về kế hoạch phát triển KT-XH, chiến lược của tỉnh đến năm 2020, cũng như các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Để các nhà đầu tư yên tâm khi đến Gia Lai, tỉnh cam kết xây dựng hệ thống các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng DN; tập trung cải cách hành chính, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh gọn.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: Hội nghị xúc tiến lần này là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm góp phần tạo điều kiện cho Gia Lai ngày càng phát triển. Là dịp các DN trong và ngoài nước cùng với tỉnh đối thoại, hợp tác kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai... Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư, các DN trong và ngoài tỉnh thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ giữa địa phương và các nhà đầu tư. Ảnh: Minh Tân |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng với những bước phát triển mới khá toàn diện của tỉnh Gia Lai trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng đạt 7,48%. Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai vào thành tựu chung của cả nước. Thủ tướng cũng lưu ý, Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển về rừng, tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, cây công nghiệp, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, đặc biệt là văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, những tiềm năng, thế mạnh này vẫn chưa được đầu tư và khai thác tốt, phát triển kinh tế chưa tương xứng.
Gia Lai tăng trưởng 7,48% Chiều 17-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã có buổi thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai. Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cho biết: Năm 2016, dù còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của đợt hạn hán kỷ lục trong năm qua, tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên đã đạt được một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì với 7,48%. Tuy nhiên, Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 44% dân số toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo cao (số hộ nghèo đứng thứ 7 toàn quốc và có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 13 toàn quốc). Hạ tầng cơ sở chưa phát triển, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế… Thành công của HAGL Tại Hội nghị, dẫn chứng về sự thành công của doanh nghiệp tại Gia Lai, ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc Cty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết: “HAGL đã khởi nghiệp tại Gia Lai gần 25 năm nay với tổng tài sản hơn 50.000 tỷ đồng và đơn vị nhận được hỗ trợ rất nhiều từ Chính phủ và địa phương. Chúng tôi hiện có gần 7.000ha trồng cây cao su và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Gia Lai và tiếp tục có những bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến để xuất đi các thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, chính quyền làm sao nhìn nhận thực tế về đất đai, phân loại lại tài nguyên đất để phát triển với loại cây trồng phù hợp”. |
Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Gia Lai cần hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành của Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn với những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh gắn với phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông lâm; chú trọng xây dựng du lịch tầm cỡ quốc gia có phân khúc thị trường; xây dựng chính quyền đối thoại, phục vụ và là chính quyền 3 cùng “Cùng đi, cùng đến và cùng hiệu quả”, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đảm bảo môi trường bình yên, an ninh an toàn cho người dân và nhà đầu tư.
“Chúng ta cần chú ý tới nguồn nhân lực tốt để quyết định cho sự thành công, địa phương phải nêu ra được các vấn đề vướng mắc để khắc phục cái gì và cần cái gì. Chúng ta cần điều tra, quy hoạch và phát triển nguồn nước ở Tây Nguyên và sẽ có một chiến lược phát triển nguồn nước cho Tây Nguyên. Cùng với đó, các cơ sở hạ tầng như Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, đường Hồ Chí Minh tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng sân bay Pleiku để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho giao thương. Chúng ta cần xây dựng một cơ chế chính sách ưu đãi hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo đảm các DN đến đầu tư ở tỉnh Gia Lai xa xôi này... Góp phần đưa Gia Lai phát triển thành một vùng động lực của khu vực Bắc Tây Nguyên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Nhân dịp này, với 53 danh mục đầu tư và 60 dự án kêu gọi đầu tư, Hội nghị đã chứng kiến sự ký kết hợp tác, trao giấy chứng nhận đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với 20 tập đoàn, DN trong và ngoài nước với 30 dự án và tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, qua đêm Ga-la tối ngày 17-12, các nhà hảo tâm, nhà đầu tư và DN đã hỗ trợ 41 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tỉnh Gia Lai.
Minh Tân