Đưa hàng Việt về nông thôn: Chiến dịch trường kỳ
(Cadn.com.vn) - Sau 6 năm thực hiện cuộc vận động “Đưa hàng Việt về nông thôn”, các doanh nghiệp Việt Nam đều nhìn nhận rằng chương trình đã đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, chỉ bằng những phiên hội chợ này người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với hàng “nội”. Càng về cuối năm, lượng hàng hóa tăng cao nhưng những thương hiệu hàng Việt ở thị trường nông thôn vẫn còn rất mờ nhạt.
Vẫn chuộng hàng “ngoại”
Những ngày giáp Tết, không khí ở những khu chợ quê bỗng náo nhiệt hẳn lên. Trẻ em được mua quần áo mới, người lớn tất bật sắm sửa đồ đạc trong nhà. Tết là thời điểm người dân mua sắm nhiều nhất trong năm. Dạo quanh các cửa hàng ngày giáp Tết đã thấy vô vàn các loại bánh mứt, quần áo, giày dép của đủ các nhãn hiệu, chủng loại. Không phủ nhận rằng 6 năm sau cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đã đưa lại những thành công đáng kể.
Đó là việc tổ chức 22 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, thu được 23,652 tỷ đồng. Trong đó thu hút 260.427 lượt người đến tham quan, mua sắm. Đi qua các địa phương, chương trình đã tặng 1.320 phần quà cho hộ nghèo và học sinh nghèo, 19.500 tập cẩm nang người bán lẻ đã được cung cấp cho các tiểu thương. Tuy nhiên chỉ qua những đợt vận động này hàng Việt vẫn chưa thực sự đủ sức để cạnh tranh với những thương hiệu khác.
Thực tế cho thấy rằng mua sắm ở nông thôn chủ yếu vẫn qua kênh bán lẻ tại các tiệm tạp hóa nhỏ và các khu chợ quê. Trong khi đó hệ thống các siêu thị lại chủ yếu nằm ở các thành phố lớn vì vậy việc đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng còn khá gian nan. Thông qua những phiên chợ hàng Việt người tiêu dùng nông thôn mới chỉ có thể biết đến những mặt hàng này chứ chưa có ý thức sử dụng phổ biến.
Chị Nguyễn Thị Một - chủ tiệm tạp hóa tại xã Duy Châu, Duy Xuyên (QN) cho biết: “Cứ tới cuối năm là tiếp thị của các hãng đổ về rất đông. Tuy nhiên tôi không dám lấy các loại bánh kẹo, nước ngọt lạ về dự trữ. Người dân mua quen rồi phải đúng cái đó họ mới mua. Như Sá xị Chương Dương lâu lâu mới về một đợt, người dân ở đây uống không quen nên có mua về cũng bán không được.
Với lại nước ngọt của các hãng Coca, Pepsi hơn trăm ngàn một kết mà nước ngọt chai lớn chỉ có 15 ngàn đồng, lợi hơn rất nhiều”. Chị Một còn cho biết thêm bánh kẹo của các hãng lớn như Kinh Đô, Đồng Khánh bán cũng không chạy bởi giá cả chênh lệch khá nhiều. Nếu như người dân thành phố chuộng hàng ngoại bởi chất lượng sản phẩm thì hàng ngoại của người nông thôn chính là hàng... Trung Quốc bởi nó đảm bảo cả 2 tiêu chí rẻ và đẹp. Còn về nguồn gốc xuất xứ thì đa số người dân ít quan tâm.
Dạo quanh các sạp bánh mứt thấy hàng Trung Quốc chiếm đến 90%. Các mặt hàng này được tiểu thương nhập với số lượng lớn rồi chia ra bán lẻ không cần nhãn mác. Người dân nông thôn thu nhập thấp nên cũng chủ yếu mua những loại mứt “lẻ” này về đãi khách.
Ngoại trừ các sản phẩm đồ gia dụng, đồ khô thì riêng về khoản quần áo, giày dép các doanh nghiệp “nội” bị bỏ xa bởi quần áo Trung Quốc đa dạng về mẫu mã lại có giá cả “hợp túi tiền”. Cụ thể một chiếc áo sơ mi Trung Quốc bán đại trà chỉ có giá 25 đến 50 ngàn đồng/ chiếc trong khi để mua một chiếc áo sơ mi của Công ty dệt may Hòa Thọ phải mất khoảng chừng 200 ngàn đồng.
Năm nay, giày dép Trung Quốc cho ra hàng loạt mẫu dép nhựa với những kiểu dáng đẹp mắt thích hợp đi mưa với giá cả dao động từ 20 – 25 ngàn đồng đã chiếm được cảm tình của những “thượng đế nông thôn”. Có thể thấy rằng về độ nhanh nhạy trong nắm bắt tâm lý thị trường thì doanh nghiệp “nội” vẫn chưa thực sự bắt nhịp.
Dạo một vòng quanh các chợ hàng Việt người dân nông thôn ít khi quan tâm đến chất liệu mà chỉ cần quan tâm đến hình dáng và nhất là giá thành. Một tâm lý nữa của người tiêu dùng nông thôn là nhu cầu được lựa chọn.
Về điều này thì hàng “nội” vẫn chưa đáp ứng được bởi so với hàng Trung Quốc chúng ta còn kém về khoản đa dạng các loại mặt hàng. Sở dĩ đồ Trung Quốc chiếm lĩnh được thị trường nông thôn là bởi đã có những sự điều chỉnh, thích nghi đáp ứng đúng nhu cầu tâm lý của người dân, đẹp mà vẫn rẻ.
Một đợt bán hàng Việt ở chợ quê. |
Cần có cái nhìn toàn diện
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn bước đầu đã có những thành công nhất định tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở mức phong trào. Tại những địa phương có tổ chức hội chợ hàng Việt, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự làm nổi bật hình ảnh của thương hiệu mình mà chủ yếu vẫn muốn bán được số hàng tồn của công ty.
Cuối tháng 8 vừa qua, trong một hội chợ hàng Việt tại Duy Sơn – Duy Xuyên (QN) với hơn 40 gian hàng diễn ra trong vòng một tuần vẫn chưa tạo được dấu ấn trong lòng người dân. Cụ thể chỉ riêng giá vé vào cổng đã là 15 ngàn đồng, các mặt hàng trong hội chợ chủ yếu là hàng thanh lý, hàng tồn. Hơn thế nữa các hoạt động, chương trình ca nhạc trong hội chợ diễn ra lẻ tẻ, kém chất lượng nên lượng người mua vé vào xem rất ít.
Đó là tình trạng chung của khá nhiều những hội chợ quê bởi người dân không muốn mất tiền vé để chỉ vào ngắm những mặt hàng cũ. Mặt khác những sản phẩm này khi đến tay người dân cũng không quảng cáo thương hiệu nên người dân lại tưởng lầm là hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bày bán ở hội chợ. Như vậy, những doanh nghiệp này vẫn chưa thực sự mặn mà trong việc đầu tư “dài hơi” vào thị trường này mà theo kiểu “bán được chừng nào hay chừng đó”.
Bên cạnh đó, sau khi kết thúc hội chợ người dân muốn mua những sản phẩm hàng nội này lại “kiếm không ra” bởi hệ thống phân phối hàng Việt tại nông thôn còn kém. Việc đầu tư một mạng lưới có chất lượng chưa có nên hình ảnh của hàng Việt ở nông thôn “chập chờn” theo từng mùa hội chợ.
Thực tế cho thấy nông thôn là thị trường của hàng “Trung Quốc”. Vậy cần đặt ra câu hỏi là tại sao người Việt lại trở nên xa lạ với hàng trong nước như vậy? Vấn đề này phải hỏi chính những doanh nghiệp sản xuất.
Những chuyến hàng Việt về nông thôn không chỉ đơn giản là kích cầu, cũng không phải là dịp để doanh nghiệp thanh lý hàng tồn mà trên hết doanh nghiệp phải có chiến lược trong xây dựng hình ảnh hàng Việt với người tiêu dùng. Muốn được như vậy cần phải có một chiến dịch nghiêm túc và lâu dài.
Hà Dung