Đưa học sinh đến gần với sách

Thứ hai, 08/04/2019 10:10

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương mở rộng các không gian văn hóa đọc, không gian sinh hoạt văn hóa, hoạt động cộng đồng tại nhà trường, ngành giáo dục TP Đà Nẵng đã có nhiều bước triển khai tích cực, đạt kết quả khả quan, khơi dậy niềm đam mê và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Bên cạnh đó, hàng năm vào tháng 4, các hoạt động Ngày Sách Việt Nam tại thành phố cũng diễn ra với nhiều nội dung phong phú thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Các nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào, Mai Hữu Phước, Trần Trung Sáng tại buổi sinh hoạt giao lưu cùng CLB Văn học Phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, chúng tôi (nhóm tác giả đại diện Hội nhà văn Đà Nẵng) lần đầu tiên được mời tham dự buổi sinh hoạt giao lưu cùng CLB Văn học Phòng GD-ĐT Q. Ngũ Hành Sơn tổ chức tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái với tên gọi "Thế giới kỳ diệu của sách". Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là ngay sau cổng chính có một tấm bia đá lớn ghi dòng chữ "Thư viện thân thiện". Chung quanh sân, rải rác bên những gốc cây là các tủ sách, ghế ngồi, hình chú nai ngơ ngác, chú bò lim dim trên thảm cỏ xanh... tạo cảm giác thật thân thiện, dễ chịu... Sau phần giới thiệu, làm quen giữa hai bên, các em học sinh đến dự nêu nhiều câu hỏi với các tác giả như: "Hồi nhỏ các cô chú  đến với văn học ra sao?", "Tác phẩm đầu tay của cô chú ra đời từ bao giờ và viết về cái gì?", "Hằng ngày các cô chú chọn thời gian nào để sáng tác thuận lợi nhất?"... Sau buổi sinh hoạt, giao lưu giữa  tác giả-tác phẩm là cuộc thi viết và vẽ theo sách diễn ra vô cùng sôi động. Thầy giáo Nguyễn Lâm-Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn cho biết, đây là một trong những buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB. Tuy nhiên, buổi sinh hoạt lần này có sự tham dự của các tác giả viết sách tại Đà Nẵng đã đem lại không khí mới, gần gũi, khiến các em rất phấn khích, thích thú.

Được biết, hiện nay, thành phố có 100% trường có thư viện mở, tủ sách ngoài trời, tủ sách trong lớp học. Trong đó, nhiều trường học tại các quận, huyện đã tổ chức nhiều sân chơi, tạo cơ hội cho các em giao lưu, học hỏi, tìm hiểu sách như: Giao lưu kể chuyện theo sách cấp thành phố dành cho học sinh tiểu học với chủ đề "Sách - người bạn thân thiết của em"; ngày hội sách chủ đề "Lật trang sách-mở tương lai" (Phòng GD-ĐT Q.Cẩm Lệ tổ chức); ngày hội sách "Từ sách truyền thống đến sách điện tử" (Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu tổ chức); Liên hoan CLB Chúng em hát dân ca và kể chuyện theo sách, hội thảo chuyên đề về nâng cao chất lượng hoạt động tủ sách mở ở H. Hòa Vang...

Trường THCS Kim Đồng (Q.Hải Châu), từ năm học 2014 đến nay đã xây dựng thư viện xanh trong sân trường nhằm thu hút HS đọc sách một cách thuận tiện, thân thiện. Không chỉ đầu tư nguồn sách từ ngân sách Nhà nước, nhà trường còn kêu gọi phụ huynh ủng hộ và trong 3 năm qua đã có hơn 20.000 bản sách được tặng cho thư viện trường. Từ sự hỗ trợ Hội cha mẹ HS, nhà trường đã xây dựng các tủ sách đặt ngoài trời, thiết kế và bố trí khu vực ghế ngồi, nơi đọc để mỗi giờ ra chơi HS tham gia đọc sách. Mô hình thư viện xanh cũng được Trường Tiểu học Phù Đổng (Q.Hải Châu) áp dụng để chủ động đưa sách đến gần hơn với HS. Hàng ngày, vào giờ ra chơi, ngay trên sân trường, chỉ cần với tay là các em có thể chọn được những cuốn sách, cuốn truyện ưng ý, phù hợp với lứa tuổi để đọc tại chỗ và tự quản lẫn nhau. Hết giờ chơi, các bạn lại tự giác sắp xếp, đem sách, truyện trả lại vị trí cũ. Để tránh nhàm chán, hàng tuần, cán bộ thư viện đều luân chuyển sách, truyện để cho HS có điều kiện được đọc nhiều hơn. Đặc biệt, Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) được UBND quận, Phòng GD-ĐT quận, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới chọn tài trợ "Thư viện thân thiện", với hơn 2.000 đầu sách, bản sách và chia thành 5 góc: góc đọc, góc viết, góc nghe nhìn, góc vẽ, góc vui chơi...

Nhìn chung, những năm gần đây, mô hình đọc sách tại các trường học ở Đà Nẵng đã có nhiều đầu tư, đổi mới phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh ngày càng tiếp cận với sách nhiều hơn. Tuy nhiên, việc giao lưu với tác giả -tác phẩm địa phương như CLB Văn học của Phòng GD-ĐT Ngũ Hành Sơn đã làm vẫn còn hiếm hoi. Vì thế cần có sự quan tâm, nỗ lực kết nối giữa nhà trường và các tổ chức VHNT ở Đà Nẵng để tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình giao lưu với tác phẩm-tác giả, giúp HS ngày càng quan tâm đến sách và đọc sách nhiều hơn.   

 TRẦN TRUNG SÁNG

Trao giải cuộc thi "Đọc sách vì tương lai" lần thứ nhất

Ngày 7-4, tại Hà Nội diễn ra vòng Chung kết và tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi "Đọc sách vì tương lai" lần thứ nhất sau 6 tháng triển khai. Cuộc thi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, NXB Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ AMO Việt Nam, Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông (ADC) tổ chức. Trải qua các vòng chấm, Ban giám khảo đã chọn 6 thí sinh xuất sắc nhất đến từ 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam vào vòng Chung kết. Ban tổ chức lựa chọn 6 chủ đề tương ứng với 6 cuốn sách phù hợp với nhận thức, lứa tuổi của thiếu nhi. Các thí sinh bắt thăm chủ đề và thể hiện phần thi của mình bằng hình thức sân khấu hóa với sự hỗ trợ của 2 học sinh cùng đội. Sau phần thi sôi động, sáng tạo, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 2 giải Nhất cho thí sinh Nguyễn Ánh Linh - Trường THCS Thị trấn Thắng, tỉnh Bắc Giang và thí sinh Đặng Tú Thanh - Trường Tiểu học Hợp Đức, TP Hải Phòng. 4 giải Nhì cho các thí sinh: Trần Tú - Trường Tiểu học Acedemy, Hà Nội; Đặng Trần Khánh Uyên - Trường THCS Nam Hồng, tỉnh Hà Tĩnh; Phan Hồ Mỹ Thơ -Trường THCS Nguyễn Du, Quảng Nam và thí sinh Hoàng Trà My - Trường Tiểu học Cửa Nam I, Nghệ An.