Đưa múa rối nước vào học đường, tại sao không?!

Thứ sáu, 24/01/2014 11:25

(Cadn.com.vn) - Vừa thấy mẹ xuất hiện tại cửa lớp, thằng bé chạy ào tới, gương mặt rạng ngời, bi bô khoe: “Mẹ ơi! Hôm nay con được gặp vua Hùng, được gặp Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới đó. Trư Bát giới mập ơi là mập, hề ơi là hề. Mà lại đi trên nước nữa mẹ, tài ơi là tài, đẹp ơi là đẹp!”. Nhìn gương mặt háo hức của con, chị tôi cũng... háo hức theo. Niềm vui ấy được hai mẹ con mang theo về nhà, đến tận sáng hôm sau vẫn chưa thôi niềm vui sướng.

Chị tâm sự: “Hôm qua, Trường Mầm non (MN) Cẩm Nhung mời đoàn múa rối nước từ Huế vào diễn cho học sinh xem. Nghe nói, chương trình hay lắm. Sân chơi cho trẻ ngày càng hiếm, mỗi lần chở con đi chơi, chẳng biết chở đi đâu, buộc phải chở lên siêu thị. Mà ở siêu thị thì quanh đi quẩn lại cũng mấy trò chơi gấp gấu bông, bắn súng, đua xe, ném bóng... Giá như Đà Nẵng có chỗ để các cháu được xem các chương trình như múa rối nước thì hay biết bao. Vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính giáo dục cao”.

Các cháu học sinh Trường MN Cẩm Nhung chăm chú xem...

Thấy hay, tôi tìm hiểu thì được cô Đặng Xuân Mỹ Linh- Hiệu trưởng Trường MN Cẩm Nhung (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, đây không phải là lần đầu nhà trường mời đoàn múa rối nước từ Huế vào diễn  phục vụ cho học sinh và cô giáo trong trường. 2 năm trước, nhà trường cũng đã hợp đồng với đoàn múa rối nước từ Huế, nhưng do điều kiện hạn chế nên chỉ diễn rối cạn.

Mong ước của cô trò Trường MN Cẩm Nhung là muốn được xem múa rối nước tại trường, nên sau khi nghe kiến nghị từ phía nhà trường, đoàn múa rối nước đến từ TP Huế đã cố gắng khắc phục khó khăn, dàn dựng một sân khấu rối nước ngay tại khuôn viên của nhà trường.

“Chỉ sau một đêm dàn dựng, sân khấu rối nước đã được các nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên của đoàn múa rối nước đến từ Huế dựng xong. Sáng 22-1, nhà trường chia làm 2 đợt để tổ chức cho toàn bộ các khối lớp được xem chương trình múa rối nước với nhiều tiểu phẩm rất hay, trong đó ấn tượng nhất là phần tiểu phẩm, trích đoạn giới thiệu về lịch sử Việt Nam thời kỳ các vua Hùng; lồng ghép thêm vào đó tiểu phẩm thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh...

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo của Việt Nam, tuy nhiên, cho đến nay, không chỉ có các cháu mà kể cả một số cô giáo ở trường chưa từng được thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Vì thế, BGH muốn tổ chức để giúp các cô trò có dịp hiểu và yêu thêm hơn loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc”- cô Hiệu trưởng Mỹ Linh tâm sự.

Cũng qua cô Linh, được biết, kinh phí để mời Đoàn đến trường biểu diễn được trích từ Quỹ của Hội cha mẹ phụ huynh đóng góp từ đầu năm học mới 2013-2014, không thu thêm của bất kỳ một phụ huynh nào.

... múa rối nước tại trường. Ảnh: C.N

Từ câu chuyện của Trường MN Cẩm Nhung, tôi chợt nhớ đến sự kiện Nhà hát Múa rối Việt Nam đem vở rối nước “Chuyện cổ Andersen” dài 75 phút gồm 3 câu chuyện “Vịt con xấu xí”, “Nàng tiên cá”, “Chú lính chì dũng cảm” sang biểu diễn tại Pháp vào cuối tháng 12-2013 đã gây được tiếng vang lớn.

Được biết, trong 5 ngày lưu diễn tại Pháp, khán giả đến xem chật cả rạp hát, thu hút được 4.000 lượt người xem, trong đó, có một ngày được truyền hình trực tiếp. Điều đáng nói, khi xem các nghệ sĩ của nước ta diễn múa rối nước, nhiều trẻ em Pháp đã bật khóc khi xem đến đoạn chú vịt con xấu xí bị cả đàn vịt đuổi đi trong câu chuyện “Vịt con xấu xí”. Kết thúc biểu diễn, khán giả chạy lên sân khấu chúc mừng và cảm ơn các diễn viên...

Việc đưa loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo của Việt Nam đến với học đường của Trường MN Cẩm Nhung có thể xem là cách làm hay và cũng là câu chuyện cần được các nhà quản lý giáo dục nghiên cứu. Được biết, chủ trương đưa văn hóa dân gian vào trường học đã được ngành GD-ĐT thực hiện trong nhiều năm nay, bước đầu đã phát huy được những hiệu ứng tích cực. Có nhiều trường học trên địa bàn TPĐN đã phối hợp cùng với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để giới thiệu về nghệ thuật tuồng đến với HS.

Múa rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị của Việt Nam, được khán giả nước ngoài đánh giá rất cao. Với cách kể chuyện độc đáo cùng với sân khấu được dàn dựng gần gũi với thiên nhiên, nếu có điều kiện đưa vào trường học sẽ trở thành sân chơi vô cùng bổ ích đối với trẻ em, tạo điều kiện cho các em có dịp được tiếp xúc, được thưởng thức một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Thông qua những câu chuyện kể về lịch sử, những câu chuyện cổ tích, sẽ gieo vào tâm hồn trẻ thơ những ước mơ, gợi mở, hướng các em đến với chân thiện mỹ của cuộc sống...

P.Thủy