Đưa nghệ thuật tuồng vào học đường

Thứ ba, 09/07/2019 12:21

Sau một thời gian gián đoạn, những năm gần đây, Đề án đưa nghệ thuật Tuồng vào học đường được TP Đà Nẵng "tái khởi động" và có những dấu hiệu đáng mừng.

Giới thiệu các nhân vật trong nghệ thuật tuồng đến với các em học sinh Trường Mầm non và Tiểu học Maple Bear Canada.

Nhận thấy giới trẻ Đà Nẵng ngày càng ít được tiếp cận và thiếu hiểu biết về các loại hình nghệ thuật truyền thống, mong muốn truyền giảng những giá trị của nghệ thuật Tuồng tới thế hệ trẻ, từ năm 2011, Nhà hát tuồng (NHT) Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng) bắt đầu từ việc tự tìm địa bàn các trường, tích cực xây dựng các chương trình, trích đoạn hấp dẫn về lịch sử, các anh hùng dân tộc để công diễn.  Đến nay, mỗi năm nhà hát diễn khoảng 30 buổi tại các trường học, có năm diễn nhiều hơn tùy theo kinh phí. Nhà hát đã khéo léo chọn trích đoạn phù hợp với từng trường, gắn với đề tài lịch sử dân tộc như: Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo..., phản ứng của học sinh rất tích cực và thích thú. Có những trường học, khi diễn viên nhà hát hỏi câu nào các em cũng trả lời được, chứng tỏ nhà trường đã rất quan tâm, chuẩn bị cho chương trình. Thậm chí, khi các diễn viên đi biểu diễn ở vùng ven như P.Mân Thái, P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) thì khán giả trẻ chiếm khá đông.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, diễn viên chuyên diễn vai anh hùng lịch sử thiếu niên Trần Quốc Toản cho biết, khi đoàn đi diễn tại các trường học, nhiều em rất thích. Lúc diễn thì ngồi xem chăm chú, lúc "Trần Quốc Toản" múa kiếm các em đều vỗ tay rất to để hưởng ứng. Khi các diễn viên kết thúc, nhiều em không kìm được chạy ào lên sân khấu, sờ áo, sờ kiếm và hỏi rất nhiều... Những lúc như thế, là người diễn viên, chị cảm thấy rất hạnh phúc vì biết ít nhiều các em sẽ ấn tượng với vai diễn, với vở diễn vừa xem, vui hơn vì ấn tượng đó phần nào sẽ giúp tuồng không bị quên lãng trong thế hệ trẻ. "Khó khăn khi đưa tuồng vào tiếp cận với các em là ở chỗ nghệ thuật này đối với các em còn mới mẻ quá, chưa biết gì nên rất bỡ ngỡ. Nhiều em nhầm tuồng với cải lương, và không phân biệt được các loại hình sân khấu truyền thống giữa cải lương, chèo hay tuồng. Tôi nghĩ cần phải đẩy mạnh công tác đưa tuồng vào trường học để các em tiếp xúc cho quen. Thêm nữa, công tác quảng bá, tuyên truyền phải mạnh lên và nhiều hơn nữa. Mấy năm gần đây, chúng tôi cũng diễn liên tục với các suất diễn dày đặc, các trường cũng liên hệ để mời đến diễn nhiều hơn. Tôi nghĩ đó cũng là hướng đi tốt đẹp cho nghệ thuật tuồng truyền thống", chị Phượng chia sẻ.

Chiều 5-7, có mặt tại NHT Nguyễn Hiển Dĩnh để xem giới thiệu nghệ thuật tuồng đến với các em học sinh Trường Mầm non và Tiểu học Maple Bear Canada, chúng tôi cảm nhận được phần nào sự cố gắng của các nghệ sĩ tại đây. Không chỉ giới thiệu từng vai diễn trong nghệ thuật tuồng như: Nịnh thần, đào, kép, võ tướng... các nghệ sĩ còn diễn trích đoạn về nhân vật lịch sử Trần Quốc Toản hết sức sinh động. Các em học sinh chăm chú xem và tỏ ra rất thích thú với phục trang cũng như tính cách của nhân vật trong vở diễn. Cô Maizey (giáo viên) cho biết, cô không hiểu về các vở diễn nhưng đặc biệt bị thu hút bởi phục trang, hóa trang, thần thái và biểu cảm của diễn viên tuồng. "Đây là buổi biểu diễn hay và nhiều màu sắc, chúng tôi hiểu thêm về nghệ thuật của Việt Nam và mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nữa", cô Maizey chia sẻ. Còn anh Kiều Bảo Hiếu, quản lý trường cho biết: "Nhiều học sinh và giáo viên nước ngoài rất mong muốn tìm hiểu về nghệ thuật tuồng Việt Nam, nên đây là dịp giới thiệu văn hóa truyền thống đặc trưng của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Học sinh hiện nay không được tiếp xúc nhiều với tuồng, không hiểu nghệ thuật tuồng là gì, nên việc giới thiệu tuồng đến với các em là một cách làm rất tốt để bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể Việt Nam".

Nhận thấy những hiệu ứng tích cực từ xã hội đối với nghệ thuật tuồng, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND thành lập Đề án đưa nghệ thuật tuồng và bài chòi vào giới thiệu trong các trường. Tuy nhiên theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, khó khăn ở chỗ, trong luật Giáo dục chưa có điều khoản nào đưa nghệ thuật vào dạy chính khóa. Thành phố Đà Nẵng muốn làm riêng vẫn phải cần xem xét cân nhắc kỹ càng, bởi khi đã đưa nghệ thuật vào trong chương trình giảng dạy thì đội ngũ giáo viên đứng lớp cần phải có quy chuẩn nhất định. Một số cán bộ NHT có đầy đủ kiến thức để giảng về nghệ thuật tuồng nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm... thì vẫn coi như chưa đủ điều kiện. Vậy nên, chỉ có thể đưa vào giờ học ngoại khóa chứ chưa thể đưa vào chương trình học.

NGUYÊN THẢO