Đưa những người tử vong trong vụ nổ khí gas tại Lào về quê nhà

Thứ hai, 31/07/2017 09:03

Tối 29-7, thi thể của các lao động người Việt tử vong tại Lào được đưa về đến quê nhà mai táng. Chưa khi nào, những miền quê nghèo lại bao trùm tang tóc, đau thương, tiếng khóc ai oán như xé màn đêm.

Nhiều người dân đến thắp hương cho nạn nhân xấu số Hà Cao Kỳ.

Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 28-7, tại công trường thủy điện Nậm Nghiệp, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) do Cty Sông Đà 5 thi công đã xảy ra vụ nổ làm 6 người tử vong trong đó có 1 người quê Phú Thọ còn lại đều trú tại Nghệ An. Các nạn nhân gồm: Trần Văn Sáng (1989), Nguyễn Văn Phương (1991), Hà Cao Kỳ (1991) cùng trú tại H. Thanh Chương, Già Bá Lầu (1985, trú tại H. Tương Dương), Và Soái Cồ (1983, trú tại H. Kỳ Sơn), 2 người bị thương nặng là Thờ Bá Chênh (1984) và Lỳ Giống Xía (1971) đều trú tại Nghệ An.

Ngày 30-7, tại xã Thanh Khê, H. Thanh Chương, Nghệ An, từ đầu làng, người thân, bà con lối xóm nạn nhân Trần Văn Sáng tập trung đông nghịt để đón di hài người xấu số về quê nhà. Trong căn nhà vừa xây, chị Phạm Thị Hòa (1991, vợ anh Sáng) ngồi rầu rĩ như không còn nước mắt để khóc chồng. Được biết, vợ chồng anh Sáng đã có một con trai đầu lòng, hiện chị Hòa đang mang bầu tháng thứ 7 đứa con thứ hai.

Theo người thân của gia đình anh Sáng, năm 2013 sau khi cưới vợ được một thời gian, anh Sáng qua Lào làm ăn. Ba năm vất vả nơi xứ người, tích góp được chút tiền, vợ chồng anh Sáng bàn nhau vay mượn thêm tiền cất căn nhà mới. Nhà xây hoàn thiện, anh Sáng lại qua Lào tiếp tục công việc với mong muốn kiếm đủ tiền trả nợ và lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, người đàn ông trụ cột của gia đình đã ra đi mãi mãi... Từ hôm nghe tin con trai gặp nạn, bà Phan Thị Tam càng yếu hơn, chỉ biết nằm khóc và ngất đi khi nhìn thấy chiếc xe cứu thương chở thi thể con về.

 Đau lòng cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. 

“Trước ngày gặp nạn, anh ấy còn gọi điện về bảo làm thời gian nữa sẽ xin nghỉ hẳn về chăm sóc vợ khi sinh đứa thứ hai. Anh còn động viên mẹ con ở nhà an tâm chờ anh về. Nào ngờ, sáng ngày 29-7, chị Hòa nhận được tin dữ từ một người làm cùng chồng rằng anh Sáng gặp nạn khi đang làm việc. Không tin đó là sự thật, chị Hòa đã gọi hỏi khắp nơi thì mới biết chồng cùng nhiều người khác tử vong do vụ nổ khí gas ở công trường” – một người thân cho biết. “Anh bảo sớm về với mẹ con em, cùng chăm sóc con. Sao anh về mà lại đi như vậy anh ơi, mẹ con em phải làm sao đây!” - chị Hòa nấc nghẹn.

Cùng lúc đó, ở xã Thanh Tùng, H. Thanh Chương, chiếc xe cứu thương cũng đã đưa thi thể anh Hà Cao Kỳ về. Theo người thân cho biết, thi thể anh Kỳ không còn nguyên vẹn sau vụ nổ. Ông Hà Văn Tân (1957- bố nạn nhân Hà Cao Kỳ) ngăn dòng nước mắt kể lại: “Sáng sớm ngày 29-7, có người gọi điện thông báo cho chúng tôi việc Kỳ gặp nạn. Tôi không tin, cứ đinh ninh chắc có sự nhầm lẫn nào đó, tôi gọi hết những người quen của Kỳ ở Lào, hơn 5 giờ sáng, chạy sang nhà người thân có đứa cháu đang làm việc ở Lào để hỏi tình hình mới biết đó là sự thật”.

Anh Kỳ là con thứ 3 trong gia đình nhưng sức khỏe không được tốt nên nghe con xin theo bạn bè sang Lào làm ăn, vợ chồng ông Tân cũng lo lắng, đứng ngồi không yên. “Trước khi đi làm, Kỳ còn hứa sẽ sửa lại nhà cho bố mẹ. Vậy mà giờ con nằm đó, trả lời tiếng mẹ gọi đi con ơi”, bà Hoàng Thị Thao (1961 - mẹ Kỳ) gào khóc trong tuyệt vọng.

Chị Phạm Thị Hòa ngồi rầu rĩ như không còn nước mắt để khóc.

Chưa bao giờ miền quê nghèo xã Thanh Thịnh, H. Thanh Chương lại túc trực cả đêm đón thi thể người thân. Ông Nguyễn Văn Nam, chú ruột của nạn nhân Nguyễn Văn Phương cho biết: Trưa 29-7 công trường đã tổ chức khâm liệm cho 6 nạn nhân tử nạn tại công trình nhà máy thủy điện Nậm Nghiệp 1 thuộc tỉnh Bolykhămxay (Lào). Sau đó các quan tài được đưa lên ô-tô khởi hành về quê nhà và đến nơi lúc 7 giờ tối. “Thằng Phương là đứa hiền lành, chăm chỉ vậy mà thật tội nghiệp. Từ hôm qua đến giờ, bố mẹ Phương đều nằm la liệt trên giường không dậy nổi trước sự mất mát quá lớn”.

Cùng ngày, hai nạn nhân Già Bá Lầu (1985, trú H. Tương Dương), Và Soái Cồ (1983, trú H. Kỳ Sơn) cùng lần lượt được người thân đưa về quê mai táng. Hầu hết những nạn nhân sang Lào mưu sinh đều còn trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất.

Trong ngày 30-7, những nạn nhân bị nạn lần lượt được mai táng tại quê nhà, rất đông người dân đến thắp hương chia buồn. Ánh mắt của những đứa trẻ ngơ ngác nhìn đám đông như không hiểu chuyện gì đang xảy ra khiến nhiều người có mặt không cầm được nước mắt.

 DƯƠNG HÓA

Làm rõ nguyên nhân hỏa hoạn tại Hà Nội

Liên quan đến vụ cháy lớn tại nhà xưởng ở xã Đức Thượng, H. Hoài Đức nằm bên Quốc lộ 32 khiến 8 người chết, 2 người bị bỏng nặng phải nhập viện, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội cho biết, đang cùng các cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường vụ cháy, khẩn trương tổ chức công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng này.

Theo báo cáo nhanh của H. Hoài Đức về vụ cháy trên, nguyên nhân cháy là xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. Thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng cũng cho hay, nhà xưởng bị cháy rộng 170m2, mặt tiền khoảng 7m, được xây dựng với mái tôn tường gạch, có một gác xép khoảng 100m2. Cơ sở này do anh Nguyễn Văn Được (1992, trú Phúc Thọ, Hà Nội) thuê đất để sản xuất bánh kem và chocolate. Xưởng sản xuất cũng là nơi ở của gia đình anh Được cùng một số công nhân. Vụ hỏa hoạn xảy ra vào hồi 10 giờ 30 cùng ngày. Đám cháy bùng phát rất mạnh và tốc độ cháy nhanh do chất cháy chủ yếu là đồ xốp và nilon, tốc độ cháy nhanh. Có 9 người đã kịp thoát ra bên ngoài đám cháy nhưng còn một số người vẫn mắc kẹt bên trong.

Lực lượng cứu hỏa đã huy động 7 xe chữa cháy cùng 1 máy bơm nước và các thiết bị cứu nạn đến hiện trường. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau 3 giờ đồng hồ. Đám cháy đã khiến 8 người tử vong, trong đó có 7 người chết tại chỗ và 1 người sau khi được giải cứu, đưa vào bệnh viện trong tình trạng bị bỏng nặng và tử vong sau đó.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội, nhà xưởng có duy nhất một cửa chính, không có cửa thoát hiểm, lối thoát nạn. Nhà xưởng có kết cấu bằng khung thép, lợp mái tôn nên khi xảy ra cháy đã sập rất nhanh. “Trong điều kiện bình thường chỉ khoảng 15 phút là sập do sức nóng của nhiệt vì thế rất khó cứu người”, Đại tá Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.

HẠNH QUỲNH