Đưa pháp luật đến với đồng bào vùng cao

Thứ năm, 17/05/2018 15:00

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương của H. Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) chú trọng và triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương. Nhờ vậy, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực.

Tuyên truyền cho chị em phụ nữ DTTS về pháp luật thông qua các câu chuyện vụ án trên sách, báo.

Tây Giang là huyện biên giới, miền núi của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có hơn một nửa dân số của huyện là đồng bào DTTT Cơ Tu. Được sự quan tâm của các cấp, ngành trong đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội... đời sống của người dân các xã miền núi, biên giới đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều năm trước, nhận thức pháp luật của người dân trên địa bàn còn nhiều hạn chế, nên tồn tại những hủ tục trong tổ chức lễ nghĩa ma chay, cưới hỏi; còn tình trạng tảo hôn, tranh chấp đất rừng... vẫn thường xuyên xảy ra. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, với sự nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền các địa phương cộng với sự giúp đỡ tận tình của CBCS các Đồn Biên phòng nên đã làm tốt công tác TTPBGDPL, nâng cao ý thức, nhận thức về pháp luật cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương các Đồn Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã vận động tuyên truyền người dân các khu dân cư xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT), với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng thôn, bản... Qua đó người dân đã phát huy được vai trò làm chủ của mình trong công tác phòng, chống tội phạm và trật tự xã hội, là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tính đến nay, trên địa bàn Tây Giang đã có 70 thôn/70 tổ tự quản ANTT thôn; 70 "Nhóm nòng cốt" và 62 tổ hòa giải. Ngoài ra, còn thành lập các mô hình hoạt động có hiệu quả như mô hình "Bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn ANTT khu vực biên"; "Thôn không có tội phạm về tệ nạn xã hội", "Quản lý chìa khóa xe máy của người dân", "Bố trí, sắp xếp dân cư trong cộng đồng thôn". Để có phương pháp TTPBGDPL cho người dân hiệu quả, cán bộ chiến sĩ các Đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác TTPBGDPL H. Tây Giang cũng như các xã biên giới, triển khai các hình thức tuyên truyền một cách gần gũi, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan như Công an, Kiểm lâm và Phòng Tư pháp của H. Tây Giang tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu tuyên truyền pháp luật của các địa phương trên địa bàn huyện; xác định địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy, an toàn giao thông, môi trường và các địa bàn thường xảy ra tranh chấp đất đai, khiếu kiện, khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng... để lựa chọn các nội dung tuyên truyền phù hợp.

Hình thức tuyên truyền cũng được các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn của H. Tây Giang luôn luôn quan tâm đổi mới. Bên cạnh tổ chức hội nghị, hội thảo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cán bộ chiến sĩ các Đồn Biên phòng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ xuống tận từng bản làng biên giới xa xôi để TTPBGDPL cho người dân theo hướng tăng cường đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người dân. Đồng thời, tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, lưu diễn văn nghệ tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, kể chuyện theo vụ án... Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền pháp luật được thực hiện gắn với tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng “Gia đình văn hóa, thôn, khu dân cư tiên tiến”...

Đánh giá về những kết quả trong công tác TTPBGDPL, ông Bhling Mia- Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) cho biết "Nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào BVANTQ H. Tây Giang thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, để nhân dân nắm vững các quy định của pháp luật về công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Thông qua đội ngũ báo cáo viên của huyện, của xã, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nghe, nên đã giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật... Đến nay, các thiết chế như Tủ sách pháp luật được thành lập ở 100% xã, thị trấn; các câu lạc bộ pháp luật, tổ hòa giải ở cơ sở, hệ thống loa truyền thanh cơ sở... được quan tâm đầu tư, khai thác. Qua đó, từng bước phát huy hiệu quả trong việc đưa pháp luật đến với người dân, đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào BVANTQ H. Tây Giang còn phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền các xã biên giới và các Đồn Biên phòng đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân BVANTQ, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT  trên địa bàn, là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”.

TRẦN HOÀNG