Đưa sữa học đường đến với trẻ em

Thứ năm, 06/06/2019 12:49

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc là mục tiêu của chương trình sữa học đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cả nước hiện nay, đã có 10 tỉnh/thành triển khai chương trình này với ý nghĩa vô cùng nhân văn và đạt được những kết quả khá quan trọng trong cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân. Tuy nhiên, thời gian vừa qua những thông tin bên lề liên quan đến tỷ lệ dinh dưỡng trong sữa học đường đang khiến nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ lo lắng.

Trao sữa đến học sinh Trường THCS Phù Đổng, H. Duy Xuyên trong chương trình Vươn cao Việt Nam.

Phân vân

Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm 2016. Chương trình triển khai theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia đóng góp của Nhà nước, gia đình và doanh nghiệp. Chị Phan Thị Mỹ Ý (trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, chị rất ủng hộ việc ngành giáo dục triển khai sữa học đường trong trường học tuy nhiên chị vẫn không khỏi lo âu về thành phần của các loại sữa này. “Ở nhà tôi thường xuyên cho cháu uống sữa từ hạt óc chó nhưng nghe nói sữa học đường là sữa bò tươi. Loại sữa này cũng để cấp riêng trong trường học không bán đại trà bên ngoài nên tôi phân vân không biết việc cho cháu uống 2-3 loại sữa khác nhau trong cùng một ngày có vấn đề gì với hệ tiêu hóa của cháu không?”. Theo các phụ huynh, mục tiêu của đề án là nhân văn tuy nhiên họ lo lắng trong quá trình triển khai, việc giám sát thiếu chặt chẽ sẽ không đảm bảo chất lượng sữa như mục tiêu đề ra. Do đó, nhiều phụ huynh rất muốn đăng ký nhưng vì lo sợ họ đành không dám đăng ký cho con mình tham gia với lý do lo ngại chất lượng sữa, hãng sữa và hạn sử dụng của những hộp sữa đến tay con trẻ không đảm bảo chất lượng. “Vừa qua có nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng bữa ăn trong trường học không đảm bảo, đơn cử như việc thức ăn có nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh. Tôi tin rằng tất cả các phụ huynh có con nhỏ như tôi đều cảm thấy lo lắng việc bảo quản, tiếp nhận thực phẩm trong trường học có thực sự đảm bảo. Có cách nào để phụ huynh có thể kiểm soát được quá trình cấp sữa cho các cháu hằng ngày hay không?”, chị My (32 tuổi) nói.

Tăng tốc

Trong cuộc họp mới đây nhất, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam thông tin, đến thời điểm này mới bắt đầu thực hiện chương trình sữa học đường là quá muộn so với các địa phương khác và cần phải đẩy nhanh tiến độ để sữa nhanh chóng đến tay trẻ em. Bà Thu cũng cho biết đề án này mang ý nghĩa nhân văn, có lợi ích cho cộng đồng về lâu về dài và đã được học tập kinh nghiệm từ các nước tiên tiến khác trước khi cho ra đời. Nói về tình hình thể chất trẻ em Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho hay, dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua cũng có nhiều cải thiện đáng kể. Trong vòng 10 năm từ 2008 – 2018, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trẻ nhẹ cân từ 20,4% giảm còn 11,8%; trẻ thấp còi từ 35% giảm còn 25%. Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của Quảng Nam đang ở mức tương đương bình quân chung cả nước. Theo kế hoạch đề ra chương trình sữa học đường sẽ được triển khai đến năm 2025 trên tất cả các cơ sở mẫu giáo và tiểu học. Trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình, Quảng Nam cần tập trung ưu tiên ngân sách cho trẻ em các huyện miền núi. Để đạt được kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh giao cho Sở GD&ĐT, Sở Y tế và các ban ngành có liên quan phối hợp thực hiện. Ngoài ra Phó chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ban, ngành cần có sự phối hợp đồng bộ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức cộng đồng bố, mẹ, người chăm sóc trẻ, giải thích về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ để sớm đưa đề án về đích.

ĐỒNG DAO