Đưa văn hóa Cơ Tu đến với cộng đồng

Thứ sáu, 11/01/2019 11:44

Thời gian qua, những nỗ lực của các cấp ủy Đảng và chính quyền H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) khi dựa vào vai trò của từng chủ thể trong cộng đồng dân tộc miền núi để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu đã mở ra cơ hội bảo lưu nhiều giá trị truyền thống của người dân địa phương. Có thể nói, văn hóa truyền thống của người Cơ Tu vốn rất phong phú và đa dạng với điệu múa “Tung tung ya yá”, nghề dệt thổ cẩm và nghệ thuật nói lý - hát lý đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì thế, chủ trương bảo lưu giá trị văn hóa gốc được xem là nền tảng để các địa phương chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa đó trước nguy cơ bị mai một. Năm 2018, UBND H. Hòa Vang đã phối hợp với các nghệ nhân Cơ Tu ở H. Đông Giang (Quảng Nam) tổ chức 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho gần 30 phụ nữ người Cơ Tu tại các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Bà Đinh Thị Nga (trú thôn Phú Túc) xác nhận: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người dân miền núi nhưng đã bị thất truyền từ lâu, đến nay không còn ai lưu giữ nghề này nữa. Mỗi khi có lễ hội, chúng tôi phải đi mua trang phục truyền thống ở những địa phương khác”.

Học sinh Trường Tiểu học xã Hòa Phú lưu giữ bản sắc văn hóa người Cơ Tu.

Bên cạnh đó, để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu mang tính bền vững, các địa phương còn vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, cấp phát hàng trăm bộ trang phục truyền thống cho học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học; các em sẽ mặc trang phục này đến lớp vào ngày thứ 2 hàng tuần. Ngoài ra, các cấp chính quyền còn tích cực phối hợp với Ban điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu” tại xã Hòa Bắc với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách đối ứng của huyện là 900 triệu đồng. Đến nay, Đề án đã thực hiện nhiều chương trình như xây dựng 2 bản hương ước bảo vệ rừng; tập huấn cho đồng bào Cơ Tu về cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tạo không gian tốt thu hút khách du lịch; thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng; mua cồng chiêng, trang phục truyền thống hỗ trợ nhóm văn nghệ...

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Hồ Tăng Phúc chia sẻ, văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu mang nhiều giá trị trong đời sống và được truyền nối từ đời này sang đời khác. Đó chính là tài sản vô giá mà tổ tiên đồng bào Cơ Tu đã để lại cho bao thế hệ con cháu, trở thành niềm tự hào của cộng đồng miền núi. Tuy nhiên, di sản của đồng bào nay đang dần bị biến dạng, với nhiều nét giao thoa thiếu chọn lọc. Do vậy, việc tìm cách bảo lưu văn hóa gốc trên cơ sở lựa chọn những giá trị tốt đẹp, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu sẽ là hướng đi mới để văn hóa Cơ Tu được tồn tại đúng nghĩa. “Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn được các cấp chính quyền và người dân nơi đây quan tâm, chú trọng. Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức, triển khai đã góp phần không nhỏ vào chủ trương chung vì mục tiêu bảo tồn, phát triển và đưa văn hóa Cơ Tu đến với du khách, sống cùng du khách theo mô hình du lịch cộng đồng” - ông Phúc cho biết thêm.

Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin H. Hòa Vang Đỗ Thanh Tân, ngoài việc tổ chức “Liên hoan Văn hóa-Thể thao và Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu” hằng năm, huyện còn tổ chức cho người dân nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch ở Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, H. Đông Giang), phục dụng các lễ hội “Ăn thề kết nghĩa”, “Mừng lúa mới” và tập huấn những kỹ năng cần thiết như chế biến món ăn đặc sản, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bắn nỏ và mở rộng giao lưu, thắt chặt mối quan hệ với cộng đồng người Cơ Tu vùng cao để làm giàu vốn văn hóa cho người Cơ Tu vùng thấp... Đây là các hoạt động quảng bá vẻ đẹp, sự độc đáo của văn hóa người dân miền núi hướng đến phát triển du lịch cộng đồng của TP trong thời gian đến và cũng là hướng đi mới giúp huyện phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu tại địa phương.

VY HẬU