Dubai - Thủ phủ của vàng buôn lậu từ Châu Phi? (Kỳ cuối: Những nhà sản xuất và xuất khẩu vàng lớn của Châu Phi)

Thứ năm, 02/05/2019 13:07

UAE là điểm đến lớn nhất của vàng Châu Phi. Nhưng các nước xuất khẩu lớn nhất của Châu Phi không phải lúc nào cũng là nhà sản xuất vàng lớn nhất, theo dữ liệu thương mại mà Reuters có được.

Một thợ khai thác vàng tại một hầm mỏ gần Doropo, Bờ Biển Ngà.   Ảnh: Reuters 

Dubai - Dễ đến, dễ đi

Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả UAE, những lo ngại về vàng lậu từ Châu Phi là không đáng kể. Trong thập kỷ qua, vàng từ Châu Phi ngày càng trở nên quan trọng đối với Dubai. Từ năm 2006-2016, tỷ lệ vàng nhập khẩu từ Châu Phi tại UAE tăng từ 18% lên gần 50%, dữ liệu của Comtrade cho thấy.

Theo Trung tâm đa hàng hóa Dubai (DMCC), giao dịch vàng chiếm gần 1/5 GDP của UAE. Tuy nhiên, không có Cty công nghiệp lớn nào - bao gồm AngloGold Ashanti, Sibanye-Stillwater và Gold Field - thừa nhận họ bán vàng ở đó. Reuters đã liên hệ với 23 Cty khai thác, trong đó cho thấy, Cty nhỏ nhất sản xuất khoảng 2,5 tấn vào năm 2018; 21 trong số này cho biết họ không bán vàng đến Dubai để tinh chế, 2 Cty còn lại không phản hồi. Trong khi các Cty khai thác lớn ở Nam Phi có năng lực tinh chế tại địa phương, lý do chính khiến những đối tác khác từ chối là không có nhà máy lọc dầu nào được Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA) công nhận.

Giám đốc kỹ thuật của Cty Neil Harby nói với Reuters rằng,       LBMA không thoải mái khi giao dịch với khu vực này vì những lo ngại về sự yếu kém trong hải quan, giao dịch tiền mặt và vàng được mang bằng tay. Các nhà điều tra và những người trong ngành công nghiệp vàng nói rằng, việc những kẻ buôn lậu có thể dễ dàng mang vàng trong hành lý xách tay trên các máy bay rời khỏi Châu Phi giúp vàng bị buôn lậu ra ngoài với số lượng lớn. Và quy định hạn chế ở UAE giúp vàng lậu có thể dễ dàng được nhập khẩu hợp pháp, miễn thuế.

Những nỗ lực bước đầu

Nhu cầu tăng cao khiến một số Cty khai thác vàng ở Châu Phi nhanh chóng chuyển thiết bị đào vàng cho các thợ đào và thợ nghiền vàng – từng bước tăng khối lượng sản xuất theo cấp số nhân. Quy định vẫn còn ít, và tai nạn xảy ra thường xuyên. Trong một tuần hồi tháng 2, đã xảy ra 3 vụ tai nạn tại cơ sở khai thác vàng bất hợp pháp ở Zimbabwe, Guinea và Liberia khiến hơn 100 người chết.

Thông thường, những Cty khai thác không muốn cắt giảm sản lượng vì họ phải chi hoa hồng rất nhiều. Các tổ chức phi chính phủ như Global Witness và Cơ quan Theo dõi Nhân quyền cho biết có nhiều trẻ em làm việc tại các cơ sở trên, đó là chưa kể tình trạng tham nhũng của chính quyền và nguy cơ xung đột tại các mỏ này. Tại một mỏ ở Zimbabwe, mọi người nói rằng họ phải giao vàng mà họ phát hiện trước khi thậm chí được phép ra khỏi hầm vàng.

Hiện chính phủ các nước Châu Phi đang cố gắng tìm ra cách quản lý lĩnh vực này. Một số nước, bao gồm Bờ Biển Ngà, đang thực hiện các bước điều chỉnh các hoạt động khai thác bất hợp pháp. Ghana và Zambia đã phái lực lượng an ninh vào các khu vực khai thác vàng để tạm dừng hoạt động để các Cty khai thác có thể đăng ký và đưa ra các quy định hoạt động chính thức. Ghana, vốn lo ngại một cơn sốt của các liên doanh chủ yếu do Trung Quốc đứng đầu đang gây hại cho môi trường, đã bắt giữ hàng trăm thợ mỏ Trung Quốc và trục xuất hàng ngàn người trong 6 năm qua.

Vào cuối tháng 3, Ghana tạm thời cấm nhập khẩu thiết bị máy xúc để cố gắng ngăn chặn bùng nổ khai thác vàng bất hợp pháp bằng máy móc hạng nặng. Tại Sudan, một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất của lục địa, chính phủ đã tiết lộ kế hoạch trị giá 3 tỷ USD cho các ngân hàng tư nhân hợp tác với ngân hàng trung ương để mua vàng từ các Cty khai thác quy mô nhỏ, đưa ra mức giá khiến cho việc mua bán trên thị trường chợ đen trở nên kém hấp dẫn hơn. Một báo cáo của Quốc hội Tanzania ước tính, 90% sản lượng vàng khai thác lậu hàng năm được buôn lậu ra khỏi đất nước: chính phủ muốn Ngân hàng Trung ương mua lại. Vào tháng 3, Tổng thống John Magufuli đã đưa ra một kế hoạch thành lập các trung tâm, nơi giao dịch sẽ được chính thức hóa bằng cách cung cấp quyền thông hành vào các thị trường tài chính.

Tại Burkina Faso, Bộ trưởng các mỏ Oumarou Idani tin rằng, một số lượng lớn vàng ở trong nước bị “rò rỉ” đến UAE. Theo ông, trong số 9,5 tấn vàng, chính phủ ước tính các Cty khai thác lậu mỗi năm, chỉ 200- 400kg được báo cáo với chính quyền. Phần lớn số vàng được nhập lậu từ Burkina Faso đến nước láng giềng Togo. Ở Togo, chính phủ hầu như không đánh thuế đối với vàng. Vì vậy, việc khai thác vàng lậu là vấn đề nhức nhối ở đất nước này.

KHẢ ANH