Dùng bột lạ “phù phép” nội tạng động vật

Thứ bảy, 14/05/2016 10:55

(Cadn.com.vn) - Ngày  13-5,  Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng bắt quả tang cơ sở chế biến mỡ bẩn tại tổ 1, thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, do ông Nguyễn Quốc Huy (32 tuổi, quê xã Phú Xuân, H. Phú Vang, TT-Huế) làm chủ. Không chỉ chế biến nội tạng động vật mất vệ sinh, cơ sở này còn dùng hóa chất “lạ” có chữ Trung Quốc để “phù phép”, tăng trọng lượng nội tạng đi tiêu thụ.

Thực nghiệm “phù phép” tăng trọng lượng nội tạng khi dùng bột màu trắng để luộc.

Tại hiện trường, lực lượng công an phối hợp cùng Chi cục thú y TP lập biên bản thu giữ 350 kg nội tạng sống nằm vương vãi trên sàn nhà, ruồi nhặng bu đầy; 5.600 kg nội tạng đã qua chế biến đang cất giữ tại kho lạnh, tất cả đều có mùi hôi khác thường. Theo lời khai ban đầu của ông Huy, toàn bộ số nội tạng  này đều mua từ một lò mổ trên địa bàn P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu với giá trung bình 3.000 đồng/kg. Mỗi ngày cơ sở này thực hiện chế biến khoảng 350kg, khi nào gom đủ 5.000 kg sẽ vận chuyển ra các tỉnh miền Bắc để bán với giá từ 7-10 nghìn đồng/kg.

 Mỗi ngày cơ sở này chế biến hàng tạ nội tạng mất vệ sinh để đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường. 

Khác với các lò mỡ bẩn được phát hiện từ trước đến nay, cơ quan chức năng phát hiện trong lò nấu nội tạng động vật của ông Huy một bao bột màu trắng có ghi chữ Trung Quốc. Thông số ghi trên bao là 40kg nhưng số bột trong bao đã được sử dụng gần hết. Sau một hồi quanh co, ông Huy khai số bột này dùng để “phù phép” tăng trọng lượng nội tạng. Cụ thể, trong quá trình chế biến bằng việc dùng lò nấu, khi bỏ chất bột trắng này vào nấu cùng sẽ làm tăng trọng lượng để thu lời nhiều hơn.

Lòng heo nằm vương vãi trên sàn nhà, bốc mùi hôi thối. 

Xử phạt 56 trường hợp vi phạm về vệ sinh thú y

Ngày 13-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng cho biết, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, đơn vị đã tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý 10 trường hợp vi phạm vệ sinh thú y với số tiền 22,9 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số trường hợp bị xử phạt là 56, với tổng số tiền thu phạt là 107,7 triệu đồng. Chi cục cũng đã phối hợp với Cảnh sát Môi trường CATP kiểm tra đột xuất và lấy 36 mẫu tại các trại chăn nuôi heo quy mô từ 100 con trở lên, 5 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, nơi kinh doanh sản phẩm động vật để kiểm tra chất cấm (Clenbuterol, Salbutamol). Tất cả các mẫu đều cho kết quả âm tính.

 Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, từ ngày 15-4 đến 13-5, đơn vị đã tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh đối với 103 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên; 8 cơ sở giết mổ và 24 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm.

Đông A

Kết quả từ việc yêu cầu nhân viên nấu mỡ thực nghiệm cho thấy, khi nấu 7 lạng nội tạng tươi không bỏ bột này thì cho ra 5 lạng thành phẩm. Ngược lại, nếu bỏ bột này vào để nấu 7 lạng nội tạng tươi thì “thành phẩm” tăng lên 8 lạng. Theo ông Huy, loại bột trắng này đã làm cho kết cấu của nội tạng nở ra và “ngậm” thêm nước. Với việc tăng trọng lượng như vậy, so với việc mua thô giá 3.000 đồng/kg thì bán ra thu lợi kép rất lớn.

Lúc đầu, ông Huy khai là bán nội tạng đã luộc qua cho thị trường miền Bắc chế biến thức ăn cho cá, nhưng sau thời gian đấu tranh, ông cho biết nhiều người đã mua để dùng làm nguồn thực phẩm. Còn gói bột màu trắng dùng để tăng trọng lượng là do một người bạn hàng cung cấp chứ ông không trực tiếp đi mua nên không rõ nguồn gốc.

 Cuối giờ chiều cùng ngày, Phòng Cảnh sát Môi trường và Chi Cục thú y TP Đà Nẵng đã hoàn thành các biên bản, niêm phong cơ sở, đồng thời tịch thu toàn bộ gần 6.000 kg nội tạng đã bốc mùi hôi thối đem đi tiêu hủy tại bãi rác Khánh Sơn theo quy định. Lực lượng chức năng cũng tiến hành lấy mẫu nước thải mà cơ sở này xả thải ra môi trường để xét nghiệm do nghi ngờ nước không được xử lý ban đầu.

Theo cán bộ Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường, với hành vi chế biến nội tạng có dùng phụ gia để tăng trọng lượng như thế này thì mức xử phạt có thể lên tới 40-50 triệu đồng theo khoản 5, Điều 6, Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó, Đại tá Trần Thanh Nhơn – Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường cho biết, đây là lần đầu tiên lực lượng phát hiện trường hợp chế biến nội tạng động vật có dùng loại bột ghi chữ Trung Quốc như thế này. “Hiện chúng tôi đã đình chỉ hoạt động của cơ sở này đồng thời lấy mẫu bột và mẫu nước gửi    đi xét nghiệm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Đại tá Nhơn cho hay.

Công Khanh