Dùng “cỗ xe tam mã” kéo tăng trưởng
Ngày 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với địa phương, nhằm đánh giá tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
“Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”
Nhiều báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Tình hình đại dịch Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay. Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động xấu. Tốc độ tăng trưởng GDP quý II chỉ tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81% và đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Cũng do dịch bệnh, hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019; khách quốc tế đến nước ta chỉ ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8%.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù kinh tế sụt giảm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện tại, dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam, nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ: Kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, bởi phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, nhiều doanh nghiệp sẽ bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng lớn đến thành quả phát triển của đất nước.
Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Dũng đề xuất cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phục hồi và phát triển kinh tế.
“Chúng ta phải xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”, như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với việc phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước; tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn…”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng. |
Đề xuất từ Đà Nẵng
Tại đầu cầu Đà Nẵng, báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, tổng sản phẩm xã hội trong 6 tháng đầu năm của TP giảm hơn 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đối mặt với tình hình, TP đã chủ động đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục, duy trì ổn định KT-XH, trong đó tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của địa phương cũng như thông qua nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp… Đồng thời, tập trung thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và địa phương cũng như chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục của dự án, giải phóng mặt bằng… Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng đã giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn của thành phố đạt trên 36% so với kế hoạch năm, nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 78%. Thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã tích cực triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu quốc tế. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý đối với một số dự án trong tình hình thị trường bất động sản “đóng băng; chủ động hướng dẫn, phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đưa ra các giải pháp kích cầu để thu hút khách du lịch.
Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng, bởi hiện Nghị định này đã có nhiều nội dung không còn giá trị. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các bộ ngành tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp thứ 9 khóa XIV.
Đối với các dự án còn vướng mắc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét cụ thể và sớm có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý đối với những dự án trước đây của TP liên quan đến Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ… Bởi, Thủ tướng từng chỉ đạo các bộ ngành tháo gỡ, trong đó Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với Đà Nẵng, nhưng đến nay kết quả giải quyết đối với các dự án vẫn còn hạn chế. “Đà Nẵng coi những dự án đã và đang bị vướng mắc là một trong những nguồn lực lớn, quan trọng để phát triển TP. Vì vậy, nếu các dự án này không được tháo gỡ kịp thời hay không thể giải quyết được thì đây chính là “điểm nghẽn” đối với Đà Nẵng trong việc triển khai những dự án lớn, tạo nguồn thu thúc đẩy phát triển KT-XH. Với các công trình, dự án trọng điểm mang tính chất liên vùng, vùng rất cấp thiết nằm trong danh mục các công trình dự án trọng điểm theo Nghị quyết 33 –NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ sớm thông qua chủ trương trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, như: Dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14B kết nối TP Đà Nẵng với Khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Nam”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Không chủ quan, nhưng cũng tuyệt đối không được bi quan
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhìn từ Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, chúng ta vẫn có một số điểm sáng quan trọng. Đó là, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế; vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá; tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4 và tháng 6 tăng 10,3% so với trong tháng 5. Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy đa số doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh quý III sẽ ổn định và tốt hơn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tăng 27,9%; đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm đến 74,6% so với cùng kỳ.
“Tuy rằng tăng trưởng thấp, nhưng trong bối cảnh quốc tế như vậy, chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng cũng tuyệt đối không được bi quan. Phải nhớ rằng, đất nước ta mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Đó là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, càng phải nỗ lực vượt khó vươn lên và càng nung nấu quyết tâm hơn” – Thủ tướng nói.
Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu; không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển KT-XH, đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng kỳ vọng vào một tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới. Thủ tướng lưu ý, trong khó khăn của thế giới và trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển KT-XH. “Tôi cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng, đó là: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tôi yêu các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương cần phải dùng mọi biện pháp, dồn mọi nỗ lực thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, bởi có tới gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD cần giải ngân trong năm nay. “Tôi lưu ý, nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021. Yêu cầu Bộ KH&ĐT và các bộ, địa phương kiến nghị giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để bảo đảm giải ngân hết số vốn này. Các đồng chí phải nóng ruột lên. Tại sao có nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng cũng nhiều địa phương giải ngân chậm? Lần này phải có chế tài mạnh. Cùng với đó, lưu ý việc cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tạo cơ chế chính sách mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay” – Thủ tướng nhấn mạnh.
CÔNG HẠNH