Đừng để Đà Nẵng phá sản vì… rác

Thứ tư, 19/12/2018 14:02

Phát biểu giải trình tại nghị trường HĐND ngày 19-12, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết tính ra với 1.500 tấn rác mỗi ngày, chi phí đốt phát điện 67 USD/tấn, mỗi năm Đà Nẵng phải mất hàng ngàn tỷ đồng. Đấy là chưa kể chi phí xử lý nước thải. Nếu không có giải pháp hiệu quả, chính quyền TP sẽ phá sản vì không đủ ngân sách chi trả cho xử lý môi trường. Đó cũng là lý do ông Thơ cho biết TP sẽ ban hành Nghị quyết về phần loại, quản lý, xử lý rác thải rắn.

 

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, dựa trên báo cáo tiền khả thi của Ngân hàng phát triển châu Á, TP sẽ đề xuất thực hiện qui trình rút gọn chọn lựa nhà đầu tư theo hình thức PPP để xây dựng Khu liên hiệp Xử lý rác thải rắn. Theo đó, sẽ lựa chọn NĐT trước dựa trên báo cáo tiền khả thi và những tiêu chí quy định, sau khi chọn sẽ đàm phán, tiến tới ký kết xây dựng dự án. Bằng cách này, TP sẽ rút gọn thời gian làm báo cáo tác động môi trường, xin qui hoạch về đốt rác thải, phê duyệt đánh giá công nghệ… những thủ tục tốn nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, TP đề xuất cho DN hiện đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn với công suất 650 tấn/ngày. Họ đăng ký đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu, TP đồng ý cho họ tiếp tục triển khai dự án, góp phần xử lý từ 500-700 tấn rác/ngày trong khi chờ KLH mới ra đời, khoảng năm 2024.

Ông Thơ nói: “Bây giờ TP không đặt vấn đề bao giờ dời bãi rác Khánh Sơn nữa mà nhận thức lại bao giờ thì bãi rác Khánh Sơn sẽ được xử lý, quản lý theo đúng qui trình, qui phạm đáp ứng yêu cầu môi trường. Đó là cách nói, chứ đừng nói dời, người dân trông chờ vào đó là không thực tế. Vì đằng nào thì TP cũng phải xử lý”.

Ngoài việc đầu tư hạ tầng xử lý rác thải rắn, ông Tho cho biết TP sẽ đổi mới, thắt chặt lại vấn đề môi trường bằng việc thông qua Nghị quyết về thu gom, quản lý, xử lý, phân loại rác thải rắn từ đầu nguồn. Việc này nói thì đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, khó khăn, cần kiên trì, kiên quyết, kêu gọi sự hưởng ứng của người dân. “Hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới người ta làm rồi. Việc này tưởng đơn giản nhưng rất hiệu quả, giúp TP tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm trong việc vận hành hệ thống xử lý rác thải”- ông Thơ cho biết.

 

Ngoài ra, Chủ tịch Đà Nẵng cho biết thêm, TP sẽ thiết lập, vận hành xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải môi trường. Cụ thể là vi phạm xả thải và xả thải không kiểm soát, đặc biệt ra sông, biển, đây là nguồn sống của chúng ta. Cũng chính điều này đã làm quá tải hệ thống, năng lực xử lý rác thải rắn hiện có của TP. Các cơ quan chức năng của TP sẽ tiến hành quan trắc, giám sát, xử lý, xử phạt từ cơ sở nhỏ đến lớn. Cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, đặc biệt chính quyền cơ sở cấp xã phường. Ông Thơ cho rằng, nếu làm tốt việc này sẽ ngăn chặn được việc xả thải không kiểm soát vào cống, sông, biển. Ông Thơ dẫn chứng: Ai mà ra đường lội nước trong những ngày mưa vừa qua sẽ thấy, biển, sông của TP đang ngốn hàng ngàn tấn chất thải mà không thể tiêu hủy được, đe dọa đến môi trường sinh sống.

“Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á, nếu xử lý rác thải rắn bằng phương pháp đốt phát điện tốn 67 USD (khoảng 1,5 triệu đồng/tấn), còn nếu chôn lấp 15 USD. Mỗi ngày TP xử lý khoảng 1500 tấn rác, như vậy một năm phải mất hàng ngàn tỷ đồng để xử lý chất thải rắn. Ngoài ra chưa kể xử lý nước thải. Chi phí rất lớn, nếu thực hiện không tốt, chính quyền TP sẽ phá sản vì không còn ngân sách nữa. Do đó, năng lực quản lý nhà nước và ý thức của người dân rất quan trọng”- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận.

Việc cần nhất hiện nay, theo ông Thơ là đánh giá đúng vai trò của chính quyền cơ sở từ cấp xã, phường. Lâu nay, phần lớn các vụ việc liên quan tới đô thị, từ trật tự, văn minh, vệ sinh môi trường hầu hết nằm dưới địa bàn cơ sở. Do vậy, nếu dưới mà mạnh, làm đúng chức năng của mình trên sẽ nguội, ngược lại dưới mà nguội thì trên sẽ nóng.

H.Q-K.T