Môn học mới Trải nghiệm và sáng tạo:

Đừng để " đầu voi, đuôi chuột"

Thứ năm, 18/12/2014 09:57

(Cadn.com.vn) - Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, trong chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới được đưa vào triển khai từ năm học 2018-2019 có nội dung, hoạt động trải nghiệm và sáng tạo từ bậc tiểu học đến hết bậc THPT.

Gần đây, Bộ GD-ĐT có tổ chức  chuỗi hội thảo bàn về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh lần lượt tại các địa phương như Hải Phòng, Cần Thơ, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội...với thành phần tham dự là giảng viên trường sư phạm hoặc khoa sư phạm của các trường ĐH, CĐ, trong đó có nhấn mạnh điểm mới này.

Mục đích, nội dung chính của môn học là hình thành và phát triển hệ thống tri thức khoa học, năng lực nhận thức và hành động của học sinh. Hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại.

Kiến thức khoa học, nội dung gắn với các lĩnh vực chuyên môn, kiến thức thực tiễn gắn bó với đời sống, địa phương, cộng đồng, đất nước, mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực giáo dục, nhiều môn học; dễ vận dụng vào thực tế. Về hình thức tổ chức thì đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng...; Học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm...

Em học lịch sử qua bảo tàng.

Có thể nói, môn học mới này là rất cần thiết và hữu ích đối với học sinh, hầu hết các nước phát triển đã quan tâm và  đưa vào giáo dục trong nhà trường từ lâu. Về mặt lý thuyết, từ mục đích, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức đến kiểm tra, đánh giá như vậy là hoàn thiện, khá tốt. Nhưng vấn đề lớn đặt ra ở đây là công tác chuẩn bị, công tác đào tạo, bồi dưỡng lẫn nguồn lực vật chất, con người để triển khai, thực hiện kể từ năm học 2018-2019 như thế nào?

Nhiều nhà trường, thầy cô giáo phổ thông từng rất bức xúc và thất vọng về công tác bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực, vật lực của Bộ GD-ĐT cho hoạt động "Ngoài giờ lên lớp", "Hoạt động hướng nghiệp nghề" và chương trình giáo dục địa phương ở chương trình cải cách, phân ban đang thực hiện gần chục năm nay.

Giáo viên dạy những nội dung, hoạt động trên đều là kiêm nhiệm từ các môn văn hóa khác, chỉ tập huấn mấy ngày, không được đào tạo bài bản, thực thụ nên chất lượng, hiệu quả không đạt, học sinh rất chán ngán. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên trang thiết bị, tài liệu, vật dụng phục vụ cho việc dạy hầu như không có gì, nhà trường chỉ toàn dạy chay, đến nay có địa phương cũng chưa biên soạn xong chương trình giáo dục địa phương, các môn như Lịch sử, Địa lý và Ngữ văn...

Không có ràng buộc, quy định cụ thể về điểm số, hạnh kiểm và nhiều địa phương, nhà trường có tư tưởng xem nhẹ nó nên các hoạt động ấy diễn ra mang tính hình thức, đối phó, làm cho có, đầu voi đuôi chuột...

Trải nghiệm và sáng tạo là môn học, nội dung mới của chương trình, sách giáo khoa sắp tới đây, muốn đạt hiệu quả thì phải có cách làm, sự chuẩn bị khác với một số hoạt động ở chương trình hiện hành. Thầy Đặng Văn Giữ, Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Bộ GD-ĐT và các trường đào tạo sư phạm phải có đường hướng chuẩn bị, triển khai kỹ lưỡng từ bây giờ. Tốt nhất, trong những năm tới, trường sư phạm cần có chỉ tiêu, đào tạo giáo viên chuyên dạy môn Trải nghiệm và sáng tạo. Có đào tạo bài bản, đến nơi đến chốn thì mới dạy tốt được. Lối dạy học theo kiểu "bắt cóc bỏ dĩa" lâu nay thì có từ hỏng đến phá sản. Trong trường hợp chưa đào tạo kịp, các địa phương, trường sư phạm cần có những lớp bồi dưỡng, tập huấn dài ngày, giao cho các giảng viên có kinh nghiệm tốt dạy, tất cả các giáo viên sẽ dạy môn đó phải được trực tiếp tập huấn; chứ không nên cử đại diện, giáo viên cốt cán đi, rồi về tập huấn lại, kiểu gián tiếp như hiện có đỡ về kinh phí nhưng hiệu quả nhận thức hạn chế nhiều". 

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, nói đến trải nghiệm và sáng tạo là phải tổ chức cho các em đi tham quan học tập, đi thực tế vài lần trong năm, có thể mời những chuyên gia có kinh nghiệm, doanh nghiệp thành đạt về tư vấn, nói chuyện... thì mới ra ngô ra khoai. Hơn nữa, những thầy cô giáo phụ trách, dạy môn đặc thù, mới mẻ này cũng cần được hỗ trợ, phụ cấp (giống như giáo viên môn Thể dục- quốc phòng; giảng viên các môn tư tưởng Hồ Chí Minh) để họ có thêm động lực, trách nhiệm với công việc được giao phó".

Làm quản lý, dạy học trực tiếp ở cơ sở, chúng tôi luôn  mong muốn mọi hoạt động, môn học có tác dụng, chất lượng giáo dục tốt đối với các em học sinh, nhất là hoạt động, môn học mới đang được chờ đợi này. Mọi ý tưởng, mọi lý thuyết dù có hay, tốt đến mấy thì nó vẫn chỉ là ý tưởng, lý thuyết suông mà thôi.

Tất cả cần được kiểm nghiệm trong môi trường thực tiễn. Chúng tôi tin tưởng, đợt cải tiến, đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới, cơ quan chủ quản Bộ GD và ĐT không chủ quan, công tác chuẩn bị  mọi thứ được đem ra bàn thảo tính toán, cân nhắc một cách chặt chẽ, hoàn thiện nhất để chương trình, những môn học mới thật sự an tâm trong giáo viên, thật sự hấp dẫn trong học sinh.

Đỗ Tấn Ngọc