Đừng để dính bẫy lừa của đối tượng giả danh Cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt “nguội”
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) – CATP Đà Nẵng khuyến cáo, người dân phải hết sức cảnh giác để tránh bị sập bẫy lừa của đối tượng giả danh CSGT gửi thông báo phạt “nguội”…
Thượng tá Phạm Hồng Hải, Phó trưởng Phòng CSGT – Công an thành phố Đà Nẵng ngày 14-10 cho hay, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã có nhiều người dân bị đối tượng lừa đảo, giả danh CSGT thông báo kết quả phạt “nguội” hòng chiếm đoạt tài sản. Do không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng nên không ít người dân đã sập bẫy lừa.
Theo thượng tá Hải, thủ đoạn chung mà các đối tượng dở chiêu trò là là tự xưng CSGT thông báo hành vi vi phạm. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn xử lý, nên đối tượng đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản. Nếu người vi phạm chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh này yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: Tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Tiếp đến, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng. Những người có tâm lý nhẹ dạ, không cảnh giác, nên nhanh chóng sập “bẫy”.
Để tạo lòng tin, đối tượng còn trích dẫn các điều, khoản trong Nghị định 100/2019 để làm căn cứ, đồng thời "đề nghị chủ xe cầm theo giấy tờ xe, đăng ký xe, căn cước công dân lên Đội CSGT để xử phạt theo quy định của pháp luật".
Vì vậy, Phòng CSGT thông tin: Đối với việc phạt “nguội” do vi phạm giao thông, Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định, các trường hợp vi phạm phạt “nguội" đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an. Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thì đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin); đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT - Bộ Công an để người dân chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt. Do đó, người dân cần nắm rõ quy trình phạt “nguội” để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng ngừa đối với loại tội phạm này, Phòng CSGT khuyến cáo người dân nên hết sức tỉnh táo khi nhận được các cuộc gọi và tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính. Để kỹ hơn, người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống. Bởi các trường hợp bị phạt “nguội”, CSGT đều gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan công an (nơi xảy ra vi phạm) để làm việc nên không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm.
“Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào và không truy cập vào các đường dẫn lạ. Đặc biệt, thêm một lưu ý khác là lực lượng Công an chỉ giải quyết các vụ việc trực tiếp, không giải quyết qua điện thoại, nhắn tin, mạng xã hội, vì vậy người dân nên cảnh giác, tránh những hệ lụy xảy ra cho bản thân” – đại diện Phòng CSGT CATP khuyến cáo.
Công Hạnh