Đừng để giải pháp mãi là… giải pháp!

Thứ bảy, 14/01/2017 10:15

(Cadn.com.vn) - Sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường không có việc làm - nếu chỉ mãi trăn trở, tìm được nguyên nhân, đưa ra được giải pháp, thấy được trách nhiệm nhưng lại không bắt tay hành động, thì ngành GD-ĐT Việt Nam không chỉ "thua ngay trên sân nhà" mà còn có lỗi với người học và với xã hội.

Hằng năm, cứ vào dịp tư vấn tuyển sinh, học sinh năm cuối cấp rất băn khoăn trước khi đặt bút làm hồ sơ tuyển sinh (ảnh minh họa). Ảnh: P.T

Đừng để thất nghiệp là bình thường?

Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Nẵng kết thúc ngày 7-1, nhưng dư âm của nó thì vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, đáng nói...

Sau khi đưa ra một loạt số liệu thống kê, so sánh hết sức xác đáng về tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp ở các nước trên thế giới, cụ thể như Phần Lan được xem là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, vậy nhưng tỉ lệ thất nghiệp có trình độ cao chiếm đến 12%, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Con số 431 nghìn lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ở nước ta là "tình trạng bình thường". Trong số đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, có khoảng hơn 200 ngàn lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, chiếm tối đa 4,4%. Đối chiếu với ngưỡng mà Tổ chức Lao động quốc tế qua nghiên cứu đưa ra, thì vẫn chưa đến cái ngưỡng cần quan tâm là 5%. Vì thế, ông Dũng bày tỏ quan điểm: "Với con số hơn 200 ngàn lao động có trình độ chuyên môn trở lên thất nghiệp, chúng ta thấy lớn. Nhưng so với thế giới thì có thể  chấp nhận được".

Những so sánh, cứ liệu mà PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng như nhiều ý kiến được đại biểu các trường ĐH nêu ra tại hội nghị đúng là hoàn toàn có lý. Bởi lẽ, thực trạng SV ra trường thất nghiệp không thể chỉ quy đổ trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo, mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác cấu thành từ xã hội. Tuy nhiên, nếu các cơ sở GDĐH cứ "AQ" khi cho rằng tình trạng SV ra trường thất nghiệp là chuyện bình thường, là có thể chấp nhận được và xem đó như là chuyện của người khác chứ không phải là của mình, thì chắc chắn, tình trạng này sẽ cứ mãi tiếp diễn.

Hãy biến giải pháp thành hành động!

Thẳng thắn mà nói, những nguyên nhân, giải pháp để giảm thiểu số lượng SV ra trường thất nghiệp nhằm giảm chi phí của xã hội mà PGS.TS Đỗ Văn Dũng đưa ra tại hội nghị không có gì mới. Tại nhiều diễn đàn đối thoại giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, các nhà tuyển dụng lao động đã từng góp ý rất chân tình, thẳng thắn, cởi mở về vấn đề này.

Trên thực tế, hầu hết các cơ sở đào tạo ĐH cũng đã nhìn thấy được nguyên nhân là cung vượt cầu và cần phải cân đối nó; cũng nhìn thấy rằng cần nhạy cảm và mạnh dạn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, cũng như PGS.TS Đỗ Văn Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận: "Các trung tâm dự báo nguồn nhân lực cũng có những con số dự báo về các lĩnh vực nhưng khá rộng. Những con số dự báo ấy là có, nhưng rồi không có trường ĐH nào sử dụng nó để xác định chỉ tiêu, cũng như học sinh hay phụ huynh cũng không thể căn cứ để làm một kênh lựa chọn. Hiện nay, các trường ĐH chỉ xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có. Với cơ chế quản lý "học phí thấp", để có thể vận hành hệ thống tổ chức, các trường phải tuyển cho "hết chỉ tiêu ứng với năng lực". Đấy chính là thực trạng chung của rất nhiều trường ĐH Việt Nam hiện nay. Với lý do là học phí thấp, tài chính hạn hẹp, nhiều trường ĐH vì sự sống còn của mình đã tuyển sinh ào ạt, thượng vàng hạ cám miễn là có thu để bù chi, còn chất lượng để tính sau...".

Con số đến cuối năm 2016 mới chỉ có 30 cơ sở GDĐH đã được tổ chức kiểm định chất lượng đánh giá, trong đó có 12 cơ sở được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng đã khiến không ít người "ngoại đạo" cảm thấy chạnh lòng. Lại càng chạnh lòng hơn khi nghe số liệu do GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra tại hội nghị, khi cho biết kết quả đánh giá và thẩm định 20 trường ĐH tốp trên, chỉ tính riêng điều kiện đảm bảo chất lượng về giảng viên có nhiều tồn tại đáng buồn: "Thiếu giảng viên so với quy mô và còn tình trạng giảng viên chưa đạt chuẩn. Số giảng viên trung bình là 370, tỉ số SV/GV là 21, nhiều trường vượt tỉ số quy định cho cả trường hoặc nhóm ngành; có những nhóm ngành tỉ số này lên đến 1/40 hoặc 50, thậm chí cao hơn. Giảng viên dạy quá nhiều giờ, thậm chí trên 50% giảng viên dạy quá 200 giờ/năm, rất nhiều người dạy trên 540 giờ, gấp đôi quy chuẩn".

Rõ ràng, có nhiều vấn đề bất cập khiến cho ngành GDĐH đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong xu thế hội nhập toàn cầu. Vì thế, nói như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ rằng, ngoài sự vào cuộc của toàn xã hội, của cả thể chế, bản thân các cơ sở giáo dục phải thấy rõ được trách nhiệm của mình, phải hành động trong việc nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có địa chỉ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Theo đó, 5 nhóm giải pháp đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Đại học gồm:  Tổng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH; tiến hành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH, tăng cường các điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất; quản trị ĐH theo hướng tự chủ; tạo môi trường pháp lý, minh bạch cho tự chủ ĐH và giải pháp đẩy mạnh truyền thông.

Giải pháp đã có, điều quan trọng còn lại là ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT cùng các cơ sở GDĐH cần bắt tay vào hành động, biến giải pháp trở thành hiện thực. Đừng để giải pháp mãi chỉ là giải pháp!

P.Thủy