Đừng để người thầy bị "mất lửa"!
(Cadn.com.vn) - 1. Chuyện một cặp vợ chồng ở TP Hồ Chí Minh quyết định cho 2 con nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của cha mẹ theo mô hình home schooling đã tạo nên làn sóng dư luận trong những ngày vừa qua. Với một đất nước có hơn 95 triệu dân, con số 4.282/5.060 (84,7%) ý kiến thăm dò ủng hộ quyết định trên của đôi vợ chồng này dù chưa thể nói lên được tất cả, nhưng cũng là điều đáng để cho những ai tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" phải suy tư, trăn trở.
Người viết đồng tình với ý kiến của một phụ huynh cũng là giảng viên khi cho rằng, đấy hẳn là quyết định vô cùng khó khăn, là "sự lựa chọn đau đớn cuối cùng sau những giày vò và bế tắc" của cha mẹ 2 em học sinh đó. Có người xem đó là một quyết định dũng cảm, bởi họ cũng nhận thấy những bất cập, hạn chế, tiêu cực của nền giáo dục hiện nay nhưng không thể làm gì khác vì không có điều kiện, thời gian để theo con mỗi ngày...
Bất kỳ hình thức giáo dục nào cũng đều có ưu, khuyết của nó, điều đáng nói ở đây, câu chuyện trên có phải là hiện tượng "nước tràn ly" vì giáo dục Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyển mình, đổi mới đúng hướng dù thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm những giải pháp nhằm thay đổi phương pháp, nội dung, chương trình dạy học?
2. Ngoài những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm, phản ánh nhiều thời gian qua liên quan đến nội dung, chương trình, SGK, hiện tượng tiêu cực, bệnh thành tích trong học đường, chất lượng đội ngũ giáo viên..., một vấn đề không kém phần then chốt cần được thẳng thắn nêu ra đó là hiện tượng người thầy..."mất lửa" với nghề ngày một nhiều. Ngoài chế độ tiền lương chưa thực sự đáp ứng với nhu cầu cuộc sống hiện tại nếu như không tổ chức dạy học thêm, nghề giáo hiện phải đối mặt với nhiều áp lực từ nhà trường và xã hội. Chính điều này khiến không ít giáo viên cảm thấy mệt mỏi, nhụt ý chí "dấn thân", không dám dũng cảm đấu tranh với những tồn tại, hạn chế cũng như tiêu cực trong ngành. Tư tưởng an phận dần dần hình thành trong một bộ phận giáo viên có tâm huyết, tự trọng với nghề. Còn với những người thầy xem đây là nghề kiếm cơm như bao nghề khác thì chọn cách sống "gió chiều nào theo chiều đó"...
Được ví là những người đi thắp lửa, một khi người thầy "mất lửa" với nghề thì làm sao có thể gieo vào lòng các thế hệ học trò đam mê, yêu thích được đến trường tiếp thu tri thức, mở mang tầm nhìn, hiểu biết? Khá nhiều học sinh có học lực giỏi khi được hỏi về ước mơ sau này, rất ít em đề cập đến ngành sư phạm bởi cho rằng đây là nghề bọt bèo, lương ít nếu không dạy học thêm, lại hay bị xã hội, dư luận bàn luận, đánh giá nên không dám dấn thân. Không nuôi dưỡng những tâm hồn yêu sư phạm trong các em học sinh giỏi, đạo đức tốt ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, thì làm sao có được những "kỹ sư tâm hồn" vừa hồng, vừa chuyên trong tương lai? Chất lượng vào ngành sư phạm không cao, thì làm sao đảm bảo được chất lượng đầu ra của đội ngũ giáo viên tương lai sẽ cao? Đấy chính là điều cần trăn trở và có giải pháp tháo gỡ ngay!
Một giờ học ở trường tiểu học huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh có tính chất minh họa). |
3. Vì sao có không ít thầy cô dù đã rời bục giảng nhưng vẫn được rất nhiều thế hệ học trò yêu kính? Lý giải điều này, hầu hết các thế hệ học trò đã trưởng thành đều cho rằng, điều khiến họ luôn nhớ về thầy cô không chỉ là kiến thức mà ở tấm lòng, tình yêu thương, nhân cách của thầy cô. Thời nào cũng vậy, khi cắp sách đến trường, học sinh không đơn thuần chỉ để học kiến thức, mà còn học các kỹ năng sống, được giao tiếp, vui chơi, hoạt động trong môi trường tập thể, làm việc nhóm. Và trên hết là học cách "thành nhân", sống có trách nhiệm với bản thân, với xã hội, biết thương yêu, sẻ chia, tôn trọng người khác; học cách biết ơn, tri ân cuộc đời! Trong môi trường học tập đó, người thầy đóng vai trò rất quan trọng trong việc vừa truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống, vừa thực sự là những "kỹ sư tâm hồn" trong mắt các thế hệ học trò do họ dạy dỗ. Có như thế, mới mong gieo vào các em một niềm vui sướng, hạnh phúc khi được cắp sách đến trường... Dù mỗi thời đại khác nhau, nhưng sứ mệnh của người thầy thì thời nào cũng vậy, vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên con người, gieo vào mỗi học sinh mầm nhân đức và trí tuệ, hoàn thiện nhân cách Con Người trong mỗi HS qua từng giai đoạn.
Trong bối cảnh xã hội có quá nhiều tác động cả mặt tích cực lẫn tiêu cực như hiện nay, người thầy tự thắp và "giữ lửa" cho mình vẫn chưa đủ; ngành GD-ĐT và xã hội cần có những động thái để giúp họ giữ được "ngọn lửa" nhiệt huyết với nghề. Đó phải là một môi trường sư phạm thực sự thoải mái, nơi người thầy có thể phát huy được năng lực, sự sáng tạo. Nếu làm được điều này, tin chắc họ sẽ cống hiến hết mình vì sự nghiệp "trồng người". Nếu người thầy là tấm gương để HS noi theo thì HS là tấm gương thật phản chiếu tất cả nhất cử, nhất động của người thầy nói riêng, thậm chí của cả một nền giáo dục ở thời đại đó nói chung... Vì thế, bản thân người thầy và xã hội đừng để cho đội ngũ này "mất lửa" với nghề!
Phan Thủy