NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TƯỞNG NIỆM CÁC NẠN NHÂN TỬ VONG DO TNGT:

Đừng để thêm những nỗi đau dai dẳng

Thứ bảy, 19/11/2016 11:39

(Cadn.com.vn) - Năm nay Đà Nẵng chọn ngày 20-11 để tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại". Cùng với các quốc gia trên thế giới, cứ mỗi tai họa do TNGT ập đến bất ngờ tại Việt Nam lại mang đến sự đớn đau tột cùng cho gia đình nạn nhân và xã hội. Trung bình mỗi ngày trôi qua có 24 sinh mạng bị cướp đi sự sống và gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời do TNGT. Đây là điều không thể chấp nhận được với một dân tộc đang sống trong hòa bình.

Khi tôi đặt bút viết bài này là thời điểm cả thế giới đang hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT". Đây là dịp để mỗi người dân nhìn lại bức tranh toàn cảnh về nỗi đau do TNGT để lại cho xã hội, cộng đồng. Tại Đà Nẵng, hàng loạt hoạt động hưởng ứng ngày tưởng niệm cũng đã diễn ra. Là phóng viên thường tiếp xúc với những thân nhân gia đình có người bị TNGT qua đời trong các dịp lễ tưởng niệm này, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh 3 chị em Phạm Thị Thúy, Phạm Thị Nhung và Phạm Thị Thắm ở quận Ngũ Hành Sơn phải bươn chải với cuộc sống nhiều năm liền khi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 2009, mẹ các cháu là Tăng Thị Ánh trong lúc đi bán bánh cuốn dạo đã bị xe ben cán chết. Cháu Thúy lúc đó mới 16 tuổi cùng 2 em nhỏ vừa phải đội khăn tang cho cha mới mất do té ngã chấn thương sọ não, lại thêm vành khăn trắng cho mẹ trên đầu. Thương hoàn cảnh các cháu, người dân trong tổ dân phố vận động quyên góp tiền giúp đỡ. Từ khi mất ba mẹ, Thúy cùng 2 em phải bươn chải đủ nghề rau cháo nuôi nhau.

Chiều tối 17-11, đến thăm và trao số tiền 4 triệu đồng ủng hộ nhân dịp tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày tưởng niệm nạn nhân bị TNGT của TP, Ban ATGT cho chị Trương Thị Hồng Diệu (1982) tại khu chân núi Quan Nam 4, xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP cùng các thành viên Ban ATGT, chính quyền địa phương ai cũng thương cảm trước gia cảnh của chị. Khi chồng là anh Võ Văn Nhựt qua đời sau một vụ TNGT đầu năm 2016 để lại 2 con nhỏ bơ vơ, chị Diệu vất vả nuôi con bằng nghề làm nông cực nhọc nên thiếu trước hụt sau. Chiều cùng ngày,  ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT cũng đã trao số tiền 4 triệu đồng động viên gia đình chị Lê Thị Hoa (33 tuổi, trú P.Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu), có chồng qua đời vì TNGT tháng 12-2009, để lại 2 con thơ...

Đại tá Nguyễn Văn Chính thăm hỏi gia đình có người thân chết do TNGT.

 Theo Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP, để kéo giảm TNGT, những năm gần đây, Chính phủ và Ủy Ban ATGT quốc gia luôn đặt ra mục tiêu nỗ lực giảm cả 3 tiêu chí về TNGT (số vụ, số người chết và người bị thương) năm sau so với năm trước. Cùng với công tác phối hợp với ngành giao thông, chính quyền các địa phương, lãnh đạo CATP luôn chỉ đạo lực lượng chủ lực là CSGT triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo TTATGT, xử lý vi phạm. Trong đó, chú trọng đến các tuyến trọng điểm, những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Nhờ đó, hàng năm tình hình TTATGT trên địa bàn có hạn chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, đua xe trái phép; ý thức của người điều khiển phương tiện được nâng lên đáng kể. Đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT CATP cho biết, năm 2016, tình hình TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2015, trong đó giảm 19 vụ, giảm 6 người chết và 23 người bị thương (từ đầu năm đến nay xảy ra 137 vụ). "Đạt được kết quả đáng mừng này, bên cạnh tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, đáng nói nhất phải kể đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, bởi đây là cách chuyển tải thông điệp đầu tiên đến mỗi người dân để họ có ý thức mỗi khi lên xe, nổ máy điều khiển ra đường" - Đại tá Lê Ngọc nói.

Bên cạnh phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các chuyên đề xử lý vi phạm; các biện pháp, giải pháp đảm bảo TTATGT, theo Đại tá Lê Ngọc, mới đây TP đã chỉ đạo triển khai một chuyên đề xử lý vi phạm giao thông được người dân đồng tình. Đó là chuyên đề xử phạt nguội thông qua hình ảnh camera giám sát. Kết quả, chỉ trong thời gian chưa đầy 10 ngày, lực lượng CSGT đã phạt nguội hơn 700 trường hợp vi phạm TTATGT (chủ yếu lỗi chạy quá tốc độ và vượt đèn đỏ), trong đó gần 100 trường hợp đã đến cơ quan CA ký biên bản xử phạt nguội khi cơ quan CA gửi giấy mời thông báo. Với những trường hợp đã gửi giấy mời nhưng chưa đến nộp phạt, CSGT sẽ phối hợp tốt với Sở GTVT, CATP và các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn xử phạt khi tài xế mang xe đi đăng kiểm hoặc đến CA cấp lại chứng nhận đăng ký xe. Ngành giao thông nói chung và CSGT nói riêng hy vọng, với việc xử lý chuyên đề này, các hành vi vi phạm luật giao thông trên địa bàn sẽ được kéo giảm. Dù công tác đảm bảo TTATGT có những chuyển biến tốt, song, Đại tá Lê Ngọc cũng trăn trở vẫn còn một số bộ phận người dân ý thức rất kém khi tham gia giao thông, cố tình vi phạm các lỗi như chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia, vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, không đội MBH, hoặc đội kiểu đối phó. Đây chính là những lỗi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT. Vì vậy, thời gian đến lực lượng CSGT sẽ tham mưu, đề xuất với các cấp ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các chuyên đề lớn, tăng cường lực lượng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần cùng cả nước kéo giảm TNGT.

"Nhân sự kiện "ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT" năm nay, tôi thiết nghĩ, mọi người hãy trang bị ngay cho mình một ý thức chấp hành luật giao thông, bởi thảm cảnh TNGT đang từng giờ, từng ngày đe dọa cuộc sống , tương lai của mỗi gia đình. Chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ niềm thương cảm với những người xấu số khi tham gia giao thông, cùng chia sẻ nỗi đau và sự mất mát với người thân của họ, nhưng đây cũng là dịp để ta nhắc nhở chính mình, người thân hãy chung tay góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn. Hãy vì niềm thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống" - Đại tá Lê Ngọc chia sẻ.

Công Hạnh