Tiêm vaccine ở Đà Nẵng:

Đừng để trẻ mất cơ hội phòng các bệnh nguy hiểm

Thứ tư, 31/07/2013 10:03

(Cadn.com.vn) - Sau khi thông tin 3 cháu bé tại Quảng Trị tử vong do sốc phản vệ khi tiêm vaccine viêm gan B công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, khá nhiều người tại Đà Nẵng có tâm lý e ngại, lo lắng, thậm chí hoang mang vì có con trong độ tuổi quy định chích ngừa.

Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng tránh các bệnh nguy hiểm cho trẻ về sau.

Nhiều cha mẹ hoang mang

“Nghe chuông điện thoại đổ, tôi vừa cầm lên thì giọng chị gái bên đầu dây xoắn xít: Này, em đừng cho bé Xu Xu đi chích ngừa nữa nhé, nghe thông tin 3 trẻ tử vong sau khi tiêm ngừa vaccine viêm gan B, chị sợ quá”-chị Thanh Hà (trú Q.Thanh Khê) kể. Có mặt tại phòng khám tư P.Đ trên đường Trưng Nữ Vương, chị Nguyễn Thị Thu Lành (28 tuổi – quê Quảng Nam, tạm trú Q.Thanh Khê) cho hay: “Tôi đang có bầu tháng thứ 8, sắp đến ngày sinh nhưng băn khoăn không biết có nên cho con chích ngừa sau khi sinh hay không nữa. Thông tin về trẻ sơ sinh tử vong do tiêm chủng ngừa những ngày vừa qua khiến tôi và gia đình rất lo lắng.

Thậm chí gia đình tôi còn tính toán đến việc không tiêm chủng (kể cả khi loại vaccine này được công bố sử dụng trở lại) chấp nhận nguy cơ mắc bệnh nhưng vẫn còn hơn nếu cho con tiêm chủng mà gặp sự cố”. Không chỉ đối với vaccine viêm gan siêu vi B mà một số loại vaccine khác cũng gây lo ngại cho các bậc cha mẹ. Anh Nguyễn Ngọc Phước (34 tuổi), có con 5 tháng tuổi bộc bạch: “Cách đây 2 tháng, con gái tôi đã được tiêm chủng ngừa loại vaccine DPT – VGB – Hib (thường gọi là vaccine 5 trong 1) để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ nhưng do một số thông tin trẻ tử vong liên quan tới tiêm ngừa nên vaccine 5 trong 1 đã ngưng sử dụng trong chương trình tiêm chủng bắt buộc. Hiện tôi vẫn chưa đưa cháu đi tiêm mũi tiếp theo vì phân vân khi nghĩ đến những diễn biến khó lường sau tiêm”.

Trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng có khoảng 6.700 trẻ được chích ngừa vaccine viêm gan siêu vi B (chiếm tỉ lệ 33,5%) và khoảng 6.750 trẻ được chích ngừa vaccine DPT – VGB – Hib (chiếm tỉ lệ 33,7%). Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ em chích ngừa trong 6 tháng đầu năm thấp là do sự hoang mang, lo lắng của cha mẹ.

* Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc số 4619/BYT-DP gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui định về sử dụng vắc xin.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn, bảo đảm an toàn theo đúng các qui định; đặc biệt lưu ý tư vấn đầy đủ cho gia đình hoặc người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng.

Tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên tối đa không quá 50 trẻ; mỗi tháng có thể bố trí nhiều ngày tiêm chủng nếu lượng các cháu tiêm nhiều; mỗi buổi tiêm chủng phải bố trí cán bộ y tế có trình độ chuyên môn khám sàng lọc trước tiêm để loại trừ những trường hợp chống chỉ định. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết khác để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng nếu có; theo dõi trẻ sau tiêm, hướng dẫn người nhà của trẻ cách theo dõi tại nhà và mang trẻ đến cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường sau tiêm.

Khuyến cáo của chuyên gia

Nếu như trước đây, cứ vào ngày 26 hàng tháng, các gia đình đều đưa trẻ đến trạm Y tế xã, phường để chích ngừa cho trẻ thì khoảng 2 tháng trở lại đây mỗi ngày Trung tâm Y tế dự phòng thành phố vẫn có hàng chục, hàng trăm ông bố, bà mẹ đến nhờ cán bộ tại đây tư vấn về việc có nên tiêm ngừa cho con hay không? hoặc làm thế nào để nhận biết những dấu hiệu bất thường sau tiêm? phản ứng không mong muốn sau khi tiêm là gì? khi nào cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế?...

Bác sĩ Trần Bảo Ngọc–Thư ký chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP Đà Nẵng cho biết quy trình tiếp nhận, bảo quản và sử dụng vaccine trên địa bàn thành phố: “Trung bình hai tháng/lần, Viện Pasteur Nha Trang sẽ có xe chuyên dụng chở vaccine theo dự trù ra Đà Nẵng. Qua công tác kiểm tra nhiệt độ bảo quản, nếu đạt yêu cầu sẽ được trung tâm y tế cấp về cho các đơn vị xã phường trước khi tiêm chủng 1 ngày. Sau đó, chế độ bảo quản vaccine ở trạm y tế xã phường cũng phải tuân thủ theo quy định cho đến khi được tiêm cho trẻ. Hạn chế xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất trong quá trình bảo quản”. Trong quá trình tiêm chủng, bố mẹ của trẻ phải thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, các hiện tượng xảy ra ở các lần tiêm trước. Sau  khi tiêm, cha mẹ nên cho trẻ ở lại cơ sở y tế khoảng 30 phút để theo dõi và tiếp tục theo dõi trong 24 giờ tiếp theo… Bác sĩ Trần Bảo Ngọc khuyến cáo.

Quá trình tiêm chủng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Quy trình bảo quản thuốc, tập huấn kỹ năng cho cán bộ y tế, cơ địa của trẻ nhỏ... Vì thế khi tiêm chủng vẫn có những trường hợp xảy ra phản ứng không mong muốn. Vụ việc 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị là những trường hợp rất ít gặp trong quá trình tiêm chủng, cha mẹ không nên hoang mang mà làm mất cơ hội phòng các bệnh nguy hiểm sau này cho trẻ.

Hà Giang