Đụng độ bùng phát ở biên giới Gaza-Israel
Hàng ngàn người Palestine tập trung gần biên giới với Israel, tham gia cuộc biểu tình lớn mang tên “Trở về tháng 3 vĩ đại”, phản đối việc Mỹ khánh thành đại sứ quán ở thánh địa gây tranh cãi ở Jerusalem. Trong khi số lượng nhỏ người Palestine ném đá qua hàng rào biên giới và cố gắng vượt qua khu vực này, những tay súng bắn tỉa của Israel liên tục nhắm bắn.
Xung đột biểu tình ở biên giới Gaza-Israel hôm 14-5. Ảnh: CNN |
Các cuộc xung đột bạo lực nghiêm trọng đã nổ ra dọc biên giới Dải Gaza – Israel ngay trước thềm sự kiện khánh thành đại sứ quán Mỹ tại thánh địa gây tranh cãi Jerusalem.
Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế Gaza, ít nhất 37 người Palestine thiệt mạng do trúng đạn của quân đội Israel và gần 1.000 người bị thương. Chính quyền Palestine chỉ trích Israel thực hiện “vụ thảm sát kinh hoàng” và yêu cầu “sự can thiệp ngay lập tức của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc thảm sát kinh hoàng ở Gaza”.
Phản đối Mỹ khánh thành Đại sứ quán tại Jerusalem
Hàng ngàn người Palestine tập trung gần biên giới với Israel, tham gia cuộc biểu tình lớn mang tên “Trở về tháng 3 vĩ đại”, phản đối việc Mỹ khánh thành đại sứ quán ở thánh địa gây tranh cãi ở Jerusalem. Trong khi số lượng nhỏ người Palestine ném đá qua hàng rào biên giới và cố gắng vượt qua khu vực này, những tay súng bắn tỉa của Israel liên tục nhắm bắn.
Bạo lực xảy ra ngay trước thềm lễ khánh thành Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, động thái người Palestine phản đối giận dữ. Họ xem đó là sự ủng hộ rõ ràng của Washington đối với sự cai trị của Israel đối với toàn bộ thành phố đang tranh chấp này, nơi mà Palestine tuyên bố chủ quyền ở phần phía đông. Khoảng 1.000 sĩ quan cảnh sát đã được triển khai xung quanh đại sứ quán để đảm bảo an ninh cho lễ khánh thành, diễn ra trong ngày 14-5. Theo AFP, rất ít nhà ngoại giao tham dự buổi lễ này. Quân đội Israel cũng tăng cường gấp đôi số binh sĩ xung quanh khu vực Gaza và Bờ Tây.
Gaza đã chìm trong biểu tình và xung đột từ ngày 30-3, với hơn 70 người Palestine bị quân đội Israel bắn chết. Không có người Israel nào bị thương và quân đội quốc gia Do Thái đang phải đối mặt với những làn sóng chỉ trích mạnh mẽ về việc sử dụng đạn thật chống lại người biểu tình. Israel biện hộ rằng, họ chỉ nổ súng “khi cần thiết” trong khi cáo buộc Hamas, phong trào Hồi giáo đang nắm quyền ở Dải Gaza bị phong tỏa, lợi dụng các cuộc biểu tình để khuấy động bạo lực.
Mỹ vẫn hoan hỉ
Nhiều quốc gia đã vào cuộc chỉ trích động thái này của Mỹ, vì họ cho rằng, tình trạng của Jerusalem cần được quyết định thông qua một giải pháp hòa bình.
Ngày 14-5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, London không đồng ý với quyết định dời Đại sứ quán của Mỹ. Nga cũng bày tỏ lo ngại việc Mỹ khánh thành Đại sứ quán tại Jerusalem sẽ làm tăng căng thẳng Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia lên tiếng gay gắt nhất khi khẳng định, Mỹ đã đánh mất vai trò trung gian hòa giải tại Trung Đông sau quyết định dời Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem. Liên đoàn Arab (AL) sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường vào ngày 16-5 nhằm thảo luận về động thái bất hợp pháp này của Mỹ.
Bất chấp việc bị chỉ trích, bất chấp các cuộc đụng độ bạo lực vẫn đang tiếp diễn ở biên giới Dải Gaza, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh lễ khánh thành Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem, coi đây là “một ngày vĩ đại cho Israel”. Tổng thống Trump, “cha đẻ” của kế hoạch chuyển Đại sứ quán gây tranh cãi lần này, không đến tham dự lễ khánh thành nhưng có bài phát biểu qua đoạn băng trước các quan khách. Viết trên tài khoản Twitter, ông Trump cũng không đề cập tới xung đột bạo lực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng vậy. Nhà lãnh đạo quốc gia Do Thái nhiều lần gọi quyết định của Tổng thống Trump là “lịch sử”.
Rõ ràng, quyết định chuyển đại sứ quán đến Jerusalem của Mỹ chỉ phù hợp với mong muốn và lợi ích của đồng minh Israel. Và giới phân tích cảnh báo, để làm vừa lòng đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông này, Washington sẽ phải trả giá rất đắt khi đang tự cô lập mình và tạo ra nhiều kẻ thù.
KHẢ ANH