"Đừng đốt"
(Cadn.com.vn) - Tiếng nói của lương tri nổi tiếng ấy là ghi chú của một người bên kia chiến tuyến "phê" vào tài liệu thu thập được sau một trận càn ngày 22-6-1970 tại Quảng Ngãi, cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm; xin mượn để mở lời trao đổi với những ai đang ra sức chỉ trích công trình tượng đài Mẹ VNAH ở Quảng Nam lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ.
Trên báo N., phát hành ngày 16-3-2015, trong bài viết “Người Việt thích to”, tác giả đặt câu hỏi với TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển: “Rất nhiều kỷ lục “lớn nhất” Việt Nam đã được xác nhận, như ly cà-phê, bánh chưng, bánh giầy, tô hủ tiếu, tượng đài lớn nhất nước ở Quảng Nam... và sắp tới có thể là tháp truyền hình cao nhất thế giới. Ông nghĩ sao về xu hướng “thích to nhất” của người Việt?”. Chúng tôi hiểu tác giả đang nỗ lực phê phán – hoàn toàn cần thiết và chính đáng – một hiện tượng xã hội giờ đây đã đến mức trầm kha, mà diễn đạt đơn giản, cô đọng nhất chính là từ tác giả đã dùng, hiện tượng “thích to nhất”. Nhưng phê phán một hiện tượng xã hội liệu có nhất thiết phải “quơ” hết vào một mớ, đánh đồng, rồi phán xét, như là “vơ đũa cả nắm” hay không? Huống hồ chi, tác giả đem so sánh tượng đài Mẹ VNAH với những “kỷ lục” cà-phê, bánh chưng, bánh giầy, hủ tiếu...; thêm vào đó, bài báo còn đăng ảnh công trình tượng đài Mẹ VNAH như một dẫn chứng, hay đúng hơn là một dẫn chứng tiêu biểu, trọng tâm của bài viết.
Tôi ngờ rằng, không chỉ là cách đặt vấn đề, mà dòng tư duy của tác giả, có điều chi đó không bình thường. Tiếc thay, kiểu tư duy ấy lại không hề đơn lẻ, mà hóa ra nó cũng được không ít người hưởng ứng, hùa theo. Phải chăng tác giả và những người hùa theo, sinh ra, lớn lên ở một nơi nào khác, chưa bao giờ cảm nhận được sự mất mát tột cùng, sự hy sinh không thể nào bù đắp được của lớp lớp người Việt Nam, trong đó có những bà mẹ VNAH, những người không chỉ mất đi những đứa con mang nặng đẻ đau trong lửa khói chiến tranh, mà còn là những “hạt gạo trên sàng”, kiên trung, bất khuất hứng chịu muôn vàn bom đạn, đòn roi, âm mưu quỷ quyệt của kẻ thù... ngay tại căn nhà, mảnh đất của mình; tôi đã gặp những bà mẹ VNAH như thế, những chứng nhân lịch sử như thế ở Quảng Nam. Thế mà giờ đây, khi tôn vinh sự hy sinh ấy, những người sống trong hòa bình, lại liên tưởng những thứ “kỷ lục” trong ngành dịch vụ. Không nhất thiết phải đồng ý với mọi hình thức tôn vinh, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, sự liên tưởng ấy hoàn toàn khập khiễng, nếu không nói là bất kính.
Những ngày qua, không biết vô tình hay cố ý, trong câu chuyện về tượng đài Mẹ VNAH ở Quảng Nam, có một thông tin được nhắc đi nhắc lại trên một số tờ báo, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đó là con số 411 tỷ đồng xây dựng tượng đài. Ngay cả những bài viết tưởng như chỉ mô tả, tường thuật, ví dụ như bài trên báo điện tử V., cũng cố nêu bật cho bằng được con số này. Hẳn nhiên, đó là một con số không hề nhỏ, rằng nếu dùng để kiến thiết, xây dựng công trình, thực hiện an sinh xã hội, đầu tư cho y tế, giáo dục... thì cũng có triển vọng. Nhưng xã hội đâu chỉ có hạ tầng, đô thị...; con người ta đâu chỉ cần ăn, uống, đi lại... Hình như, ngoài những thứ ấy, xã hội nào, con người nào cũng có những mục đích, nhu cầu khác, đôi khi còn lớn lao, sâu sắc hơn nhiều, ví như mục đích ghi tạc công ơn, cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân để truyền đời cho con cháu, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước...; hay nhu cầu bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính, tưởng niệm...
Cũng cần phải nói thêm rằng, tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ ở Quảng Nam không chỉ là nơi để tưởng niệm, đó còn là một không gian văn hóa, có thể để hàng ngàn, hàng vạn con người tìm đến; và, công trình ấy không chỉ để cho hôm nay mà cho hàng thế kỷ sau này. Xét ở những khía cạnh đó, khoản tiền 411 tỷ đồng và được xã hội hóa phần lớn, chưa hẳn là đã quá nhiều.
“Đừng đốt”, viên sỹ quan bên kia chiến tuyến đã đưa ra lời khuyên như thế khi cầm trên tay cuốn nhật ký đầy “lửa” của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Giờ đây lời ấy xin nhắc lại một lần với những ai đã và đang có ý định đầy thiển cận trong phê phán việc xây dựng tượng đài Mẹ VNAH ở Quảng Nam – bởi trong ấy chất chứa bao nhiêu ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, của những dòng máu nóng hổi người Quảng Nam nói riêng, người Việt Nam nói chung hôm qua, hôm nay và mai sau.
Nguyễn Lê