Đừng hỏi vì sao biển mặn
* Bài 1: Khó nói hết bằng lời
(Cadn.com.vn) - Bao đời nay, người Việt trải qua sóng gió, thử thách và hiểm nguy giữa đại dương mênh mông để sinh tồn. Dù có lúc con người phải chịu cảnh đau thương, tang tóc của bão dữ, của chiến tranh… nhưng rồi sự sống lại hồi sinh. Sau nỗi đau, lớp lớp người Việt lại vươn mình, vươn khơi, khẳng định tinh thần yêu biển đảo quê hương mạnh mẽ như, như cây bàng vuông trên đảo đá, như cây xương rồng trên cát. Câu chuyện về lẽ sống người Việt trên biển Đông khẳng định chân lý bất diệt, như muối thì mặn…
Ẩn đằng sau nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được khi chồng con đi biển rồi mãi mãi không về là tâm hồn cao thượng của nhiều người mẹ, người vợ tại quê nhà. Nếu như trong quá khứ, họ nuốt nước mắt, gửi lại trên biển Đông từng “giọt máu, nhúm ruột” của mình, dựng những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc, thì giờ đây họ đang sống xứng đáng là tấm gương, chiếu sáng sự hy sinh thầm lặng ấy đến tận mai sau... Gia đình mẹ Ngò (Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, H. Điện Bàn, Quảng
![]() |
Ra khơi. |
CÂU CHUYỆN MẸ & CON
Mẹ Ngò tên thật là Trương Thị Ngò (86 tuổi), mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, người thanh niên duy nhất của Quảng Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo ở đảo Cô Lin-Gạc Ma ngày 14-3-1988. Ngày chúng tôi đến thăm, mẹ Ngò đang ăn dở bữa trưa, một mình trong căn nhà cấp bốn nhỏ nhắn. Tôi hỏi: “Các con, cháu đi đâu hết rồi mà mẹ lại ăn cơm một mình”. Mẹ Ngò chậm rãi: “Qua có tất cả ba đứa con trai. Thằng Cường (liệt sĩ Nguyễn Bá Cường) hy sinh. Còn lại hai đứa thì hiện đã có gia đình nhưng nhà ở ngoài Đà Nẵng. Hàng tuần, vào ngày thứ bảy, chủ nhật, nếu không bận việc quan trọng, chúng lại đưa các con cháu về đây thăm qua. Chúng nó nhiều lần muốn đón qua ra ở cùng để tiện bề chăm sóc nhưng mẹ nhất quyết không đi. Qua đã già rồi, ở lại đây để tiện bề hương khói cho thằng Cường và ông ấy (chồng)".
![]() |
Mẹ Ngò và những bộ quần áo người con liệt sĩ Trường Sa... |
Liệt sĩ Nguyễn Bá Cường là người con thứ ba và cũng là con út của mẹ Ngò, là “đứa khiến qua nghĩ đến nhiều nhất”. “Ngày đó, sau khi nghe loa phát thanh địa phương thông báo là sắp tới có đợt tuyển quân sự mới, nó cứ nằng nặc đòi qua cho đi. Nhưng qua nói rằng, hai anh mi đã xông pha trận mạc cả rồi, mi ở nhà lo đèn sách mà học đại học chứ đi chi nữa... Nhưng rồi thấy nó quyết tâm quá nên cuối cùng qua đã đồng ý cho nó đi Hải quân Trường Sa. Sống anh dũng, chết vẻ vang... Giọt máu của qua đã nằm lại ngoài đó, và qua cảm thấy tự hào”- mẹ Ngò nói, đoạn nhìn về hướng di ảnh người con liệt sĩ, thì thầm- “Qua ước gì được sống khỏe mạnh mãi để một ngày không xa, mẹ được Đảng, Nhà nước cho ra thăm quần đảo Trường Sa- nơi thằng Cường nằm xuống, thăm nó”.
![]() |
...anh Thảo bên chiếc rương lưu giữ những kỷ vật của người em họ. |
CUỐN NHẬT KÝ CỦA EM VÀ BÀI THƠ CỦA ANH
Đang tâm sự, mẹ Ngò đột nhiên gọi người cháu ruột Nguyễn Bá Thảo (55 tuổi) nhà ở kế bên, sang mẹ nhờ. Như hiểu ý mẹ, anh Thảo vội vàng chạy sang, lấy từ trên gác xuống một chiếc rương sắt đã rỉ. Chiếc rương lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng còn lại của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường: Mấy bộ quần áo, tờ giấy kê quân trang, vật dụng cá nhân và cả cuốn nhật ký, những bức thư gửi về cho gia đình...
“Đêm đã khuya thật rồi nhưng sao mình vẫn chưa thể chợp mắt được. Vì nhớ quê hương, gia đình hay vì nghĩ về nhiệm vụ trước mắt? Chưa bao giờ mình cảm thấy nhớ da diết quê nhà như lúc này. Nhưng vì nhiệm vụ nặng nề, thiêng liêng ở trước mắt, mình phải kìm lòng, cố gắng nhiều nữa để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao... Là một người lính cầm súng, phải đặt nhiệm vụ dân tộc lên trên hạnh phúc gia đình”- người lính trẻ của Trường Sa năm nào viết.
![]() |
Cuốn nhật ký và những bức thư anh Cường gửi về cho gia đình. |
Trong nhật ký, Cường viết rất nhiều về những suy nghĩ, tâm tư thầm kín của một người chiến sĩ hải quân vẫn còn rất trẻ. Ở trang 65, phần gần cuối của nhật ký, anh viết: “Người lính tìm hạnh phúc trên bước đường tiến quân đi chiến đấu. Rồi cũng trong chiến đấu, người lính xa rời với hạnh phúc của mình”. Hình như người chiến sĩ hải quân trẻ xứ Quảng anh hùng đã linh cảm ngày nằm xuống? Dù nỗi đau, sự mất mát không được đề cập đến nhưng nghe như có nước mắt, có nhịp tim đau đáu hướng về mẹ, về quê hương. Một cảm xúc thật đến tận cùng của người lính: Biết trước sự hy sinh, vẫn ung dung, lạc quan và sẵn sàng đón nhận. Tình yêu biển đảo, nhiệm vụ cao quý mà Tổ quốc đã giao phó đã hòa chung với tình yêu quê hương, khao khát hạnh phúc riêng tư, thầm kín ở một con người...
Bên cạnh cuốn nhật ký, một kỷ vật thiêng liêng được mẹ Ngò gìn giữ như báu vật đó là chiếc áo Hải quân được đơn vị gửi về sau ngày anh Cường hy sinh. Nhớ thương con, người mẹ ấy đã may nó thành chiếc áo bà ba rồi luôn mang bên người. Cứ vào ngày 27-7 hoặc dịp lễ lớn của đất nước, mẹ Ngò lại mang chiếc áo ra mặc. Làng xóm và ngay cả các con cháu trong gia đình vẫn không ai hiểu hết được, chỉ cảm nhận được phần nào lời lý giải của mẹ: “Qua mặc chiếc áo cho nó ấm, ấm như có thằng Cường luôn ở bên qua vậy!”. Lẫn trong những kỷ vật còn lại của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, tôi vô tình đọc được bài thơ do anh Nguyễn Bá Hùng (59 tuổi) người anh thứ hai của Cường, chép tưởng niệm em trai, trong đó có câu thơ cuối: “Tổ quốc ơi! Xin cho em tôi là liệt sĩ cuối cùng”.
Người mẹ, đứa con, cuốn nhật ký, câu thơ... Tôi quá may mắn bởi gặp được một gia đình mà ở đó, hội tụ rất đầy đủ những gì làm nên danh quốc Việt
Ký sự của Nguyên Dũng
(còn nữa)