Dùng sà lan lập “bến thủy” tự phát, xâm phạm hành lang an toàn cầu Mân Quang

Thứ ba, 21/09/2021 08:52

2 sà lan thực hiện công tác trục vớt một chiếc tàu đắm tại khu vực Bãi Cát Vàng (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tự ý cập bến neo đậu, bốc dỡ sắt thép, clinker (nguyên liệu sản xuất xi-măng) ngay dưới chân cầu Mân Quang (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng khẳng định không hề cấp phép neo đậu ở vị trí xung yếu, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an toàn của cây cầu này.

Bộ đôi sà lan tập kết, hoạt động ngay chân cầu Mân Quang.

“Bến thủy” tự phát

Người dân sống trong khu vực gần cầu Mân Quang cho biết, những ngày qua một doanh nghiệp được cấp phép trục vớt tàu đắm ở Bãi Cát Vàng đã ngang nhiên chiếm dụng mặt nước ngay chân cầu Mân Quang để tập kết sắt thép, clinker chở từ ngoài khơi vào. Từ đây, 2 sà lan thực hiện trung chuyển, bốc dỡ các vật liệu này lên bờ chất thành đống rồi huy động xe tới chuyển đi. Nhiều lần nhân dân trong vùng phản ánh với chủ sà lan nhưng đều bị bỏ ngoài tai. Ngay trong thời gian thực hiện giãn cách phòng chống dịch, “bến thủy” tự phát này vẫn hoạt động rầm rộ.

Theo ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, bộ đôi sà lan này ra vào, neo đậu, bốc dỡ phía hạ lưu cầu Mân Quang, chỉ cách mép cầu khoảng 20m, phía bờ là khu dân cư, bên cạnh là nơi trú tránh của tàu thuyền ngư dân. Khi thấy phóng viên, một số người dân sống trong khu vực khuyên nên cẩn thận, còn một số người đang làm việc trên tàu thì vừa cười đùa vừa hỏi lớn “chụp làm gì?”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Từ Hải- Phó tổng Giám đốc Cty Quảng lý cầu đường Đà Nẵng cho biết, đơn vị chủ sở hữu sà lan ở chân cầu Mân Quang là Cty TNHH Trục vớt và xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng. Ông cũng khẳng định việc doanh nghiệp trục vớt cho neo đậu sà lan để tập kết, vận chuyển tại chân cầu Mân Quang là không đảm bảo giới hạn hành lang an toàn đối với cầu cống.

Theo quy định tại Nghị định 11 và Nghị định 100 của Thủ tướng Chính phủ, các phương tiện khi hoạt động phải đảm bảo khoảng cách 150m đối với cầu có chiều dài hớn lơn 300m, 100m đối với cầu có chiều dài từ  60m đến 300m theo chiều ngang cầu tính từ mép ngoài cùng đất của đường bộ trở ra mỗi phía. “Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xác định sà lan đậu và hoạt động quá gần cầu. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp chủ sở hữu phương tiện nhanh chóng di dời khỏi phạm vi hành lang an toàn. Các đơn vị khác của Sở GTVT cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý”, ông Hải cho hay.

Trong khi đó, ông Trịnh Thế Cường- Giám đốc Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng cho biết, đơn vị cấp phép cho phía Cty TNHH Trục vớt và xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng được phép trục vớt và chở vào cập cảng Tiên Sa. Nhưng không hiểu vì sao mà quá trình thực hiện thì đơn vị này lại cập vào phía chân cầu. Ngay khi nhận phản ánh của phóng viên, phía Cảng vụ Hàng hải đã xuống hiện trường lập biên bản xử lý nhưng giám đốc của Cty này không có mặt vì đang đi… tiêm vaccine.

“Như thế là sai. Họ nói lý do là đang thực hiện trục vớt, vận chuyển thì gặp bão nên tạm thời tấp vào đó. Chúng tôi đang cho kiểm tra và lập biên bản xử lý. Hiện phía doanh nghiệp này khẩn trương di dời toàn bộ sắt, clinker đã tập kết lên bờ và di chuyển sà lan ra khỏi khu vực”, ông Cường thông tin. 

Đơn vị trục vớt từng bị xử phạt vì xả thải ra biển

Theo tìm hiểu của phóng viên Chuyên đề Công an Đà Nẵng, Cty TNHH Trục vớt và Xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng chính là đơn vị thực hiện trục vớt tàu Sao Thủy 09 vận chuyển clinker (nguyên liệu sản xuất xi-măng) bị chìm tại vùng biển thuộc khu vực Bãi Cát Vàng từng bị UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vì xả chất thải xuống biển.

Cụ thể, năm 2020, trong quá trình trục vớt, lẽ ra phải di chuyển clinker trong khoang hàng của tàu Sao Thủy 09 vận chuyển đi nơi đổ thải theo quy định như phương án đề ra, nhưng cty này yêu cầu nhân viên điều khiển phương tiện múc clinker từ tàu bị chìm lên sà lan rồi gạt, đổ toàn bộ số clinker trên (1.990kg) xuống biển nhằm xóa dấu tích. Hành vi này đã bị lực lượng Cảnh sát môi trường- Công an TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng bắt quả tang.

Sau đó, Chủ tịch UBND TP đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Đổ xuống biển chất thải thông thường của các phương tiện vận tải mà không được xử lý theo quy định” đối với cty này với số tiền 400 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 750 triệu đồng.  

Công Khanh