Đường 20-Quyết thắng huyền thoại

Thứ hai, 20/07/2020 15:00

Có lẽ, bất kỳ ai mỗi lần đặt chân đi qua con đường 20 - Quyết thắng cũng không khỏi dâng trào cảm xúc bởi đây chính là con đường huyền thoại, một huyết mạch giao thông góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại giành tự do độc lập, thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

Các lữ khách mỗi lần đi qua con đường huyền thoại này đều dừng chân thắp nén tâm nhang tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ đường 20-Quyết thắng.

Tháng 7, cái nắng nóng khắc nghiệt của tiết trời mùa hạ vẫn không thể ngăn cản được dòng lữ khách đến với con đường đã đi vào huyền thoại. Đường 20 - Quyết thắng bắt đầu từ Km 00 thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình uốn lượn theo dòng sông Son đến ngã ba Lùm Bùm thuộc huyện Ăng Khăm, tỉnh Khăm Muộn (Lào) rồi thông với đường 9; tổng chiều dài 125 km là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá suốt ngày đêm.

Theo thống kê đã có hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 bộ đội công binh (Binh đoàn 559) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Hà, Nam Định và Ninh Bình với 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá, bắc cầu qua khe, qua suối để mở xong tuyến đường chiến lược này. 17 giờ 30 ngày 30 Tết Bính Ngọ (21-1-1966), Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường huyết mạch này để nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và chính thức khai thông vào ngày 14-4-1966. Tiếp đó, cửa khẩu thông xe đường 20 vượt qua đỉnh Trường Sơn hùng vĩ được mở. Hàng ngàn đoàn xe cơ giới vận chuyển sức người, sức của chi viện cho mọi chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Nam ruột thịt.

Nắm bắt được vị trí chiến lược hết sức quan trọng của tuyến đường, sau khi được ta đưa vào lưu thông, giặc Mỹ vội vàng tập trung đánh phá. Chúng huy động các loại máy bay không kích và cường kích tối tân nhất hiện có, trong đó có máy bay B52 ném bom rải thảm lên toàn bộ khu vực, trong đó có các trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích, Trạ Ang, Cà Roòng, km 12, km 16, dốc Ba Thang... có thời điểm bị đánh phá liên tục suốt 87 ngày đêm. Suốt từ năm 1966 - 1973, Đường 20- Quyết thắng đã bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Số lượng bom đạn ném xuống con đường này nhiều không kể xiết. Rất nhiều chiến sĩ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đã hy sinh trên con đường này. Có thể nói, mỗi cm chiều dài của cung đường này từng chịu đựng hàng trăm quả bom, đạn pháo, rốc két các loại của giặc Mỹ ném xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta. Máu, mồ hôi và nước mắt của bao người lính, thanh niên xung phong, cùng các lực lượng công nhân, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến và nhân dân ta đã nhuộm đỏ từng tấc đất, tấc đường để viết nên khúc tráng ca bất tử trong dòng chảy lịch sử bất tận của dân tộc Việt Nam.

Đường 20 - Quyết thắng giờ đã được nâng cấp rải nhựa, cửa khẩu Cà Roòng - Nọong Ma được mở ra tạo điều kiện làm ăn thông thương cho người dân 2 bên biên giới. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP tỉnh Quảng Bình đang cùng với các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện tốt công tác vận động tộc người Ma Koong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế để "Xóa đói giảm nghèo". 

Chiến tranh qua đi, trên con đường 20 - Quyết Thắng lửa đạn ngày nào giờ rừng núi đã phủ một màu xanh bạt ngàn như cuộc sống của cộng đồng tộc người Ma Koong, đang thay đổi từng ngày.

NGUYỄN THÀNH PHÚ