Đường hư vì xe quá tải hoành hành
Hiện tại, hầu hết các tuyến đường tại Quảng Nam như: QL1A, đường ven biển Hội An-Tam Kỳ, Sơn Trà-Hội An hoặc các tuyến tỉnh lộ vừa hoàn thành hoặc nâng cấp chưa bao lâu nay phải chịu cảnh "con nhà nghèo, mặc áo vá". Đường bị hư hỏng nặng, người tham gia giao thông chỉ biết "than trời", còn các cơ quan chức năng "bó tay" vì... xe quá tải.
Xe quá tải mang BKS tỉnh Thanh Hóa chở VLXD trên đường ĐT 610. |
Theo ông Trần Văn Hà- Phó ban ATGT tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tuyến đường ở Quảng Nam xuống cấp trầm trọng là do nạn xe quá tải gây ra. Các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để xử lý những phương tiện vi phạm nhưng chỉ hạn chế được phần nào. Trước thực trạng trên, người dân địa phương tại các địa phương gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng hoặc tự dựng các vật cảnh báo để "báo động" cho người tham gia giao thông. Đối với đơn vị thi công sử dụng bê-tông nguội vá tạm những đoạn bị hỏng để chờ xin kinh phí tổ chức sửa chữa lớn.
Theo ghi nhận của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, nóng nhất phải kể đến địa bàn H. Đại Lộc, nơi có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng như: Gạch tuy-nen, ngói nung, gạch trang trí... luôn có nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu rất cao. Vì vậy, nhiều cơ sở khai thác, vận chuyển đất ở địa phương khác tập trung về đây cung ứng cho các nhà máy và vận chuyển nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) từ các mỏ cát dọc sông Thu Bồn đi nơi khác tiêu thụ. Qua quan sát, trên tuyến QL14B nối H. Đại Lộc ngược lên H. Nam Giang, xuôi xuống TP Đà Nẵng, bất kể ngày đêm đều có hàng trăm lượt xe vận chuyển VLXD chạy qua đây. Con đường đã chật chội lại phải oằn mình gánh những lượt xe quá tải trọng, quá khổ nên nhiều đoạn đường mới vừa duy tu, bảo dưỡng xong đã nhanh chóng xuống cấp trầm trọng.
Đường ven biển Hội An-Tam Kỳ bị xuống cấp do xe quá tải. |
Hay như tuyến đường bê-tông từ xã Đại An đi xã Đại Phong (H. Đại Lộc) cũng gồng mình gánh chịu, nhiều xe chở đất biển được cơi nới thùng, chở VLXD vượt tải trọng "vô tư" lưu thông, cày xới mặt đường một cách không thương tiếc. Tương tự, tuyến đường ĐT610 huyết mạch của H. Duy Xuyên, có nhiều khách du lịch qua lại tham quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn song vài năm nay do nhu cầu vận chuyển đất, cát san lấp mặt bằng cho các dự án ở Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, chở cát phục vụ các công trình xây dựng... nên các loại xe thi nhau vận chuyển đất tại các mỏ tại xã Duy Trung, cát ở bến dưới chân cầu Câu Lâu tỏa đi các nơi. Xe chạy bạt mạng qua trung tâm của huyện bất kỳ lúc nào và hầu hết các xe tải đều cơi nới thùng xe để chở tăng khối lượng. Đáng nói là tại H. Duy Xuyên có doanh nghiệp "nhập" một đoàn xe quá khổ gần 20 chiếc từ Thanh Hóa về tập kết dưới chân cầu Câu Lâu và xã Duy Trung chuyên vận chuyển cát. Cùng chung "số phận" như trên là tuyến đường ĐT 611 đoạn qua địa bàn H. Quế Sơn hàng ngày có hàng chục xe tải gắn lô-gô HH, T. Em, N. Trà... chở đất, đá vượt tải trọng nhưng rất hiếm trường hợp vi phạm bị xử lý. Tại H. Núi Thành, tình hình xe quá tải cũng gây nhiều bức xúc cho người dân. Tuyến QL1A qua xã Tam Nghĩa vừa nâng cấp đã "vội" xuống cấp. Nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc phản ánh và các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng các xe quá tải vẫn hoạt động, nhất là vào những ngày thứ bảy, chủ nhật khi lực lượng kiểm tra nghỉ ngơi.
Theo chúng tôi, để đối phó với những xe quá tải, quá khổ, TP Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp cắt gọt kích thước thùng xe tải khi thực hiện đăng kiểm. nhờ vậy, đã giải quyết tận gốc vấn đề xe chở quá tải trọng. Nên chăng, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam nên áp dụng bài học từ TP Đà Nẵng và tăng cường kiểm tra, xử lý những xe quá tải, quá khổ nhằm trả lại sự bình yên cho những cung đường.
M.T